Bóng Chuyền

Giải hạng A toàn quốc 2019: Các đội lưu ý điều gì về điều lệ?

Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) vừa ban hành Điều lệ giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2019. Đây là việc làm thường xuyên vào mỗi đầu năm mới nhằm giúp cho các địa phương và đội bóng có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào giải đấu.

Tìm hiểu về điều lệ là một việc không thể thiếu, giúp các đội bóng ít gặp bỡ ngỡ trong quá trình tham dự giải đấu. Thế nên trang www.bongchuyensaigon.online xin giới thiệu cùng quý bạn đọc gần xa.
Từ những quy định chung….
Theo quy định của điều lệ, “Mỗi địa phương, ngành không được đăng ký 2 đội (do cùng một địa phương, đơn vị quản lý) trong cùng một hệ thống giải”.
Như vậy sẽ có trường hợp các đội bóng ngành Công an (CA Phú Thọ, CA Hải Dương, Công an TPHCM, CA Quảng Bình, Bộ Tư kệnh CSCĐ – K20), Quân đội (QK3, QK4, Trung tâm TDTT Quân đội) vướng vào quy định của điều lệ.
Bởi, về phía các đội bóng thuộc ngành Công an, không thể cho rằng như Công an Quảng Bình chẳng hạn, là của tỉnh Quảng Bình vì việc quản lý ngành dọc từ con người cho đến kinh phí hoạt động, bổ nhiệm, điều động cán bộ ở Công an Quảng Bình đều do Bộ Công an chịu trách nhiệm. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ lãnh đạo về công tác Đảng và giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Trường hợp các đội bóng ngành Quân đội cũng không khác, Quân khu 3 tuy có Bộ Tư lệnh nằm trên đất Hải Phòng và quản lý địa bàn các tỉnh vùng Duyên hải, Đông Bắc bộ nhưng vẫn do Bộ Quốc phòng trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, tương tự như Quân khu 4. Đối với Trung tâm TDTT Quân đội thuộc Cục Quân huấn – Bộ Tổng Tham mưu, đơn vị này cũng sử dụng kinh phí do Bộ Quốc phòng rót, con người do nơi này quản lý và bổ nhiệm.
Tuy nhiên, theo một thành viên có trách nhiệm của Ban Tổ chức giải, thì quy định này ra đời từ rất lâu. Trong thực tế, đến nay tất cả các đội cùng ngành như Công an, Quân đội, Dầu khí (các đội nữ như Vietsov Petro, Xây lắp dầu khí Thái Bình Dương, PV Oil Thái Bình trước đây) hoặc cùng địa phương như Maseco TP Hồ Chí Minh và Công an TP Hồ Chí Minh (từng thi đấu ở Giải Vô địch quốc gia chẳng hạn), vẫn được thi đấu trong cùng một hệ thống giải. Điều quan trọng là trong văn bản đăng ký thi đấu của từng đội không trùng dấu đỏ, đồng nghĩa có 2 đơn vị phụ trách khác nhau thì xem như hợp lệ.
….cho đến những ràng buộc cụ thể!
Theo Khoản 4. Mục I. “Mỗi đội được đăng ký danh sách các thành viên theo quy định của Luật Bóng chuyền, tối đa 14 vận động viên (nếu đăng ký trên 12 vận động viên phải có 2 Libero), tối thiểu là 10 vận động viên. Đội nào đăng ký không đủ vận động viên sẽ không được thi đấu”.
Thực tế thi đấu nhiều năm gần đây của Bóng chuyền VN cho thấy, việc đăng ký số lượng tối đa 14 VĐV với các đội trở thành quen dần thì tuy rất hãn hữu, song vẫn có trường hợp đội bóng chỉ đăng ký số lượng tối thiểu – 10 VĐV. Từ đây mới có chuyện dở khóc dở cười: trong quá trình thi đấu, một vài cầu thủ của đội “đăng ký 10 VĐV” bị chấn thương, ốm đau nên không thể ra sân ở các trận còn lại và khi làm thủ tục đầu trận đấu, chỉ có 7 – 8 cầu thủ trình làng. Thế thì có cho đội này thi đấu hay không cũng là một vấn đề vốn làm đau đầu các nhà tổ chức: về tình thì “nên”, về lý thì không hiểu có vi phạm quy định điều lệ hay không?
Tuy nhiên, theo một quan chức trong Ban Thi đấu – trọng tài của VFV, việc này có lẽ nên hiểu đúng về từ ngữ: Đăng ký danh sách tối thiểu 10 VĐV (đơn xin tham dự, danh sách mẫu O2 bis, thẻ VĐV, giấy khám sức khỏe), riêng khi tham gia thi đấu thì có thể ít hơn do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng phải tuân thủ đúng theo quy định của luật (trường hợp không đủ VĐV sẽ bị áp khung xử lý cụ thể).
Kế đến, Điểm 1.2. Khoản 1 Mục II quy định “Đăng ký bổ sung, thay đổi VĐV: Các đội đăng ký bổ sung hoặc thay đổi chức năng vận động viên cho vòng bán kết và chung kết bằng văn bản gửi về Văn phòng Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Hồ sơ đăng ký dự giải và văn bản đăng ký bổ sung hoặc thay đổi chức năng vận động viên gửi trước thi đấu 01 tháng”. Cần hiểu rằng, đây là quy định trong trường hợp bổ sung, thay đổi giữa các vòng đấu, riêng trong từng giải đấu, trận đấu, việc thay đổi chức năng VĐV, như Libero bị chấn thương, ốm đau không thể thi đấu tiếp tục (có chứng nhận của Bác sĩ) và thay bằng 1 VĐV khác có tên trong danh sách đăng ký làm Libero trong khoảng thời gian còn lại của trận đấu hay giải đấu, thì sẽ được thực hiện theo quy định của luật.
Ở Khoản 5. Mục IV. “Đội bóng thuộc đơn vị đăng cai được quyền chọn trận đấu và đối thủ trong lễ khai mạc hoặc bế mạc”. Đây là một trong những điểm mới, nới rộng quyền lợi của đội bóng chủ nhà. Như vậy, đội bóng của địa phương đăng cai có thể được chọn 1 trong 2 quyền: 1. Chọn trận đấu và đối thủ trong lễ khai mạc; hoặc 2. Chọn trận đấu và đối thủ trong lễ bế mạc. Điều này hoàn toàn khác và không cho phép đối với yêu cầu “Chọn trận đấu trong lễ khai mạc và đối thủ trong lễ bế mạc” hoặc ngược lại của đội chủ nhà.
Tiếp theo, ở Khoản 3. Mục VI “Các đội tham gia thi đấu bắt buộc phải có 02 bộ trang phục thi đấu khác màu nhau, mẫu trang phục thi đấu phải đúng theo quy định của Luật”. Thực tế cho thấy trong nội dung kiểm tra trang phục ở cuộc họp kỹ thuật các giải đấu lâu nay, hầu như giải nào cũng có một số đội bóng trưng ra mẫu trang phục chưa đúng quy cách, nhất là về kích cỡ của số, băng đội trưởng, màu sắc giữa áo và số áo.
Theo quy định của Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB), áo của VĐV phải đánh từ số 1 đến 20 và trong một số trường hợp có thể lớn hơn. Trong đó số áo phải ở giữa ngực và giữa lưng. Màu sắc và độ sáng của số phải tương phản với màu sắc và độ sáng của áo. Số trước ngực phải cao tối thiểu 15cm, số sau lưng phải cao tối thiểu 20cm. Nét số phải rộng tối thiểu 2cm. Trên áo đội trưởng dưới số trước ngực phải có một vạch 8 x 2cm. Đối với các cuộc thi đấu của FIVB, thế giới và các cuộc thi đấu chính thức (các giải trong hệ thống quốc gia của VN chẳng hạn), phải in số áo của VĐV ở ống quần đùi bên phải. Số phải cao từ 4 – 6cm, nét số rộng ít nhất 1cm. Cấm VĐV cùng đội mặc trang phục khác màu nhau (trừ VĐV Libero) hoặc áo không có số chính thức.
Ở Khoản 2. Mục VII. “Những đội không đủ đội hình đăng ký tham dự lễ khai mạc hoặc không ở lại nhận thưởng thì không được lĩnh tiền thưởng” là một quy định đúng, song thực tế chưa được các đội nghiêm túc chấp hành và Ban Tổ chức một số giải cũng thường dễ dàng du di: Lễ khai mạc thường không có bộ phận nào kiểm tra xem các đội tham dự – đặc biệt là hai đội thi đấu sau buổi lễ và các đội đã thi đấu xong trước đó, có dự ít nhất 10 VĐV hay không. Và sau đó trong lễ bế mạc, người ta cũng ít khi đem đối chiếu kết quả tham dự lễ khai mạc để chế tài – “không được lĩnh tiền thưởng” nếu đội từng vi phạm sau đó có thành tích cao và đã có rất nhiều đội, nhất là các đội đạt hạng Ba, Tư, giải Khuyến khích chỉ cử 1 đại diện ở lại và đều được BTC cho phép “lĩnh tiền thưởng”.
Và cuối cùng, điều khác hơn so với các mùa giải trước đây khi ở Khoản 2. Điều VIII quy định “Các đội tham dự giải nộp lệ phí thi đấu 5.000.000đ/vòng đấu (Năm triệu đồng/vòng đấu)”. Bởi những năm trước đây, lệ phí thi đấu chỉ thu 1 vòng, các đội vào vòng sau không phải tiếp tục đóng. Điều này có lẽ cần được các nhà tổ chức làm rõ “có” hay “không” để thuận tiện cho các đội hạng A dự toán kinh phí trước khi tham dự mùa giải 2019.
Theo BongChuyenSaiGon.online
Click to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Tin Đọc Nhiều

To Top