Như vậy là kỳ chuyển nhượng mùa đông 2019 đã kết thúc và trái với dự đoán của nhiều người, The Kop đã không những không mua thêm một cầu thủ nào, mà họ thậm chí còn để cho một số cầu thủ ra đi. Liệu đây có phải là một động thái tự làm yếu mình của các nhà lãnh đạo Liverpool, giữa lúc cuộc đua giành chức vô địch giải Ngoại Hạng lần đầu tiên sau 2 thập kỷ chờ đợi đang ngày càng nóng lên?
Đầu tiên, không mua sắm có nghĩa là đội hình sẽ yếu đi? Chưa hẳn, bởi lẽ dù không bỏ ra một đồng nào trên thị trường chuyển nhượng, nhưng HLV Jurgen Klopp đã khôn ngoan “trói chân” được hàng loạt trụ cột của đội với những bản hợp đồng kéo dài tít tắp. Có thể kể đến Mo Salah (5 năm), Sadio Mane (5 năm), Roberto Firmino (4 năm), và mới đây nhất là bộ đôi sao trẻ đang thi đấu rất thành công là Andy Robertson và Trent Alexander-Arnold (đều 5 năm).
Việc giữ chân được những ngôi sao này, trong bối cảnh mà lòng trung thành đang là một cái gì đó hết sức xa xỉ trên thị trường chuyển nhượng hiện nay, tự bản thân nó đã là một thành công không nhỏ. Bởi lẽ, nếu ở Chelsea và Tottenham, nhiều trụ cột đang rục rịch đòi ra đi (Eden Hazard bóng gió chuyện gia nhập Real Madrid, Callum Hudson-Odoi chính thức nộp đơn xin ra đi và Christian Eriksen thì đang làm mình làm mẩy không chịu ký hợp đồng mới với Tottenham), gây ra bầu không khí thiếu tự tin trong phòng thay đồ của đội bóng, thì phòng thay đồ của Lữ Đoàn Đỏ hiện đang rất thoải mái, khi mọi thành viên đều biết rằng mình sẽ tiếp tục gắn bó với nhau thêm ít nhất là 4-5 năm nữa. Sự ổn định này là hết sức cần thiết cho việc hình thành lối chơi và bản sắc riêng của đội bóng.
Thêm vào đó, cũng cần phải thấy rằng các cầu thủ được HLV Klopp cho “ra đi” không những không quan trọng mà thậm chí còn đang là gánh nặng của họ. Tỷ như trường hợp của Lazar Markovic, cầu thủ từng một thời được mệnh danh là “Andriy Arshavin mới” của giải Ngoại Hạng. Sau khi cập bến Anfield với mức giá khá cao , anh chỉ được HLV Brendan Rodgers cho ra sân có vỏn vẹn 19 lần, và đều ở vị trí hậu vệ cánh phải, thay vì là tiền vệ cánh phải theo như sở trường. Nhưng đó đã là năm … 2015, từ đó đến nay, Markovic thậm chí còn không giành nổi suất dự bị. Anh bị đẩy xuống các đội bóng nhỏ dưới dạng cho mượn như Benfica, Sporting CP, Hull hay mới đây nhất là Anderlecht. Giữ Markovic ở lại với sự suy sút hiện tại của cầu thủ trẻ này rõ ràng chỉ … tốn tiền mà không được lợi ích gì, nên việc BHL The Kop thanh lý hợp đồng với anh là điều vô cùng hợp lý.
Hơn thế nữa, đã nhiều năm qua, thị trường chuyển nhượng mùa đông đã cho thấy rằng đây không phải là thời điểm thuận lợi để mua bán cầu thủ, và phần lớn những vụ chuyển nhượng xảy ra trong giai đoạn này đều không thu được kết quả như ý. Đó là bởi nếu các cầu thủ này thực sự chất lượng, họ đã được các CLB nhắm tới từ trong hè, chứ không phải đợi đến mùa đông mới rục rịch mua sắm như là một giải pháp chắp vá. Thêm vào đó, các cầu thủ được mua từ kỳ chuyển nhượng hè sẽ có thời gian tập cùng đội bóng mới nhiều hơn, dẫn đến một sự ăn ý mà không có cầu thủ chuyển nhượng mùa đông nào có được. Do vậy, việc hạn chế mua bán trong mùa đông, trừ trường hợp thực sự khẩn cấp, là quyết định đúng đắn của BHL The Kop.
Đó là chưa kể đến việc những trụ cột đã dính chấn thương dài hạn như Trent Alexander-Arnold, Alex Oxlade-Chamberlain hay Joe Gomez đang có dấu hiệu hồi phục tốt và đã gần 100% bình phục. Một khi họ quay lại, chắc chắn sức mạnh của Lữ Đoàn Đỏ sẽ chỉ có tăng chứ không có giảm, và chính những trụ cột này sẽ là những vụ chuyển nhượng giá trị nhất của đội bóng.