Chelsea vừa thua Bournemouth 0-4. Đúng, bạn không nhìn lầm đâu. The Blues thua đến cách biệt 4 bàn, lần đầu tiên trong suốt 2 thập kỷ vừa qua, họ mới thua một cách toàn diện và bạc nhược đến như vậy. Fanpage We Ain’t Got No History thậm chí còn đánh giá đây là trận đấu tệ hại nhất trong số các trận đấu tệ hại của Chelsea trong 7 năm trở lại đây. Tân binh Higuain đã có một khởi đầu không mấy sáng sủa, nhưng liệu có công bằng khi cho rằng sự nghiệp The Blues của cầu thủ người Argentina này cũng sẽ như vậy?
Các cầu thủ Argentina đã từng rất thành công tại Premier League, có thể kể đến Mascherano, Tevez, rồi Heinze. Nhưng những năm gần đây, số lượng các ngôi sao người Argentina đã giảm hẳn, cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngoài những sao hạng A như Aguero, Otamendi, Rojo hay Lamela, những cầu thủ còn lại chỉ ngụp lặn tại các CLB tầm trung như Manuel Lanzini, Pablo Zabaleta ở West Ham, hay Luciano Vietto ở Fulham. Higuain rõ ràng là một sự bổ sung đáng chú ý của người Argentina ở giải đấu quốc nội hấp dẫn nhất hành tinh.
Từ trước đến nay, phong cách chơi bóng của Higuain luôn là thứ bóng đá của một nghệ sĩ tuyệt vọng. Anh thường xuyên phải đóng vai “kép phụ” ở Madrid, rồi đến Juventus. Không thể nói Higuain không biết nhẫn nại. Anh đã dành 6.5 năm đẹp nhất của sự nghiệp cho Los Blancos, đứng dưới cái bóng quá lớn của Ronaldo, và thậm chí còn phải chia sẻ vai trò “kép phụ” với Karim Benzema. Sau đó, vì muốn khẳng định mình, Higuain đã bỏ lại sự hào nhoáng của miền đất thủ đô và khăn gói đến Naples. Ở đây, anh cho cả thế giới biết mình là ai, khi phá vỡ kỷ lục ghi bàn trong một mùa của Serie A. Chính thành tích đó đã giúp Higuain có được sự thừa nhận của đội bóng lớn nhất nước Ý thời điểm hiện tại là Juventus, khi họ mở rộng vòng tay chào đón anh.
Nhưng sự đời lại lắm trớ trêu, khi Higuain còn chưa kịp “ấm chỗ” ở đội bóng thành Turin, thì Ronaldo đã cập bến. Không muốn tiếp tục đóng vai phụ cho siêu sao người Bồ, Higuain lập tức chuyển sang Milan thi đấu.
AC Milan là một đội bóng phức tạp. Từ lâu họ đã rơi khỏi top 3 đội mạnh nhất Italia, và hiện đang ở giữa một mớ bòng bong của việc tái thiết lại đội bóng. Đây là công việc của những thợ xây, chứ không phải một nghệ sĩ như Higuain. Tuy nhiên, có thể thấy được khát khao muốn khẳng định mình của Higuain mạnh đến thế nào, trong cuộc chạm trán Juve hồi đầu mùa này. Sau khi sút hụt một quả penalty, Higuain thi đấu như một gã điên và bị đuổi khỏi sân vì tội phản ứng trọng tài. Các đồng đội đã phải lôi anh ra khỏi sân, sau khi một trận ẩu đả giữa Higuain và Ronaldo đã gần như xảy ra.
Chelsea đã cho Higuain một lối thoát. Đây là một câu lạc bộ lớn của bóng đá Anh và thế giới, với các cầu thủ vào loại xuất sắc nhất hành tinh như Eden Hazard, Kepa Arrizabalaga hay N’golo Kante. Không có bất cứ ai trong số đó là một tiền đạo, và ở The Blues, Higuain sẽ là ngôi sao sáng nhất. Vấn đề còn lại là anh có đủ sự tỉnh táo để hòa nhập với giải đấu mới hay không mà thôi. Ở Napoli, dưới thời Benitez, Higuain từng sút hụt đến 4 quả penalty, nhưng lại quyết không từ bỏ nhiệm vụ sút luân lưu. Đó là sự tuyệt vọng của một người luôn cần được thừa nhận. Đó là nỗi sợ thất bại được che giấu kín. Hay như một HLV của Higuain đã từng nhận xét về anh: “Tôi không cho rằng cậu ta yêu bản thân mình đủ nhiều”.
Nhưng nếu muốn thành công ở Chelsea, Higuain cũng cần phải tiếp tục hợp tác với Sarri một cách “hợp rơ” như cái cách họ đã làm ở Napoli mấy mùa trước. Đến đây, thì vấn đề lại không chỉ nằm ở Higuain, mà còn nằm ở Sarri. Như Pep Guardiola đã từng so sánh ông thầy người Ý với người thầy Johan Cruyff của mình một cách đầy trân trọng: “Những mẫu HLV như họ rất cuồng tín. Họ không có phương án 2. Nếu như phương án 1 thất bại, họ sẽ tìm cách hoàn thiện nó đến tột cùng, thay vì tìm một phương án khác.”
Có lẽ sự lì lợm ấy đến từ quá khứ làm trong ngành ngân hàng của Maurizio Sarri. Cũng như Jose Mourinho, sự nghiệp quần đùi áo số của Sarri cũng bị cắt ngắn bởi chấn thương, và ông đã phải làm nhiều nghề khác để sinh nhai. Đó là một lợi thế, bởi khi quay lại với bóng đá, ông có thể nhìn môn thể thao vua theo lăng kính của những người ngoài cuộc, một lăng kính rõ ràng và không bị cảm xúc lẫn kinh nghiệm chi phối. Sarri tiếp cận bóng đá cũng như ông tiếp cận một chiến lược kinh doanh. Đối với Sarri, khi đã có đủ các thông số, và một chiến thuật hợp lý dựa trên các thông số và xu hướng đó, thì chiến thắng là điều hiển nhiên, dù sớm hay là muộn.
Sự cứng đầu đó vừa là điểm mạnh, nhưng cũng là điểm yếu của Sarri. Ông quá bảo thủ với những tính toán của mình, nên khi chúng tỏ ra không hiệu quả, thay vì thích nghi với tình thế, Sarri vẫn giữ khư khư quan điểm cũ của mình. Điển hình là trong trận thua 0-2 trước Arsenal trước đây vài ngày. Chelsea thi đấu với sơ đồ không tiền đạo, hy vọng làm chủ tuyến giữa và dâng cao đội hình với Hazard và Willian sẽ khiến hàng thủ Arsenal chao đảo và mắc sai lầm. Tuy nhiên, khi kế hoạch đó phá sản và họ phải nhận bàn thua, Sarri đã không thay đổi và hậu quả là ông phải nhận trận thua bẽ bàng trong trận derby thành London. Vài ngày sau đó, sự cứng nhắc ấy tiếp tục khiến cho Chelsea phải nhận thua, lần này là với đội bóng “tôm tép” AFC Bournemouth, với một tỷ số thậm chí còn đậm gấp đôi so với trận Arsenal.
Rõ ràng, Higuain có thể giải quyết vấn đề về khâu dứt điểm của Chelsea, lịch sử ghi bàn của anh đã chứng minh điều đó (107 bàn/190 trận cho Real, 71/104 cho Napoli và 40/73 cho Juventus). Tuy nhiên, “El Pipita” không thể giải quyết vấn đề “về Sarri” của Chelsea, và chỉ có trời mới biết, sự cứng nhắc của ông thầy người Ý sẽ còn khiến đội bóng thành London trả giá thêm bao nhiêu lần nữa.