Bấy lâu nay, bóng chuyền Việt Nam, từ cấp độ CLB đến ĐTQG, từ nội dung Nam sang nội dung Nữ, đều ngước nhìn lên các đội Thái Lan mà thèm thuồng tự nhủ: “Ước gì mình cũng được chuyên nghiệp như họ”. Rõ ràng, các đội bóng Thái đã liên tục gặt hái được những thành công vang dội, không chỉ ở tầm khu vực mà còn ở cả tầm cỡ quốc gia, và căn cơ của sự thành công đó nằm ở các giải đấu quốc nội của họ. Dưới đây, hãy cùng người viết đi khám phá bí quyết nào đã làm nên sự chuyên nghiệp của bóng chuyền xứ sở Chùa Vàng.
- Chuyên Nghiệp Từ Dưới Lên …
Kể từ năm 2005, bóng chuyền Thái đã lên chuyên nghiệp khi chuyển từ thể thức thi đấu “gộp” từng giải theo truyền thống sang thành thi đấu theo dạng Giải VĐQG như ở bóng đá. Các đội bóng đánh liên tục trong 6 tháng – thường là từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau – với vòng tròn 2 lượt, các trận đấu dàn trải vào các cuối tuần, với quy định về sân nhà, sân khách được tuân thủ nghiêm ngặt.
Điều này không những giúp cho các VĐV bóng chuyền Thái Lan có được sự luyện tập, cọ xát thi đấu liên tục trong suốt cả năm. Riêng đối với các VĐV thuộc tốp đầu của nền bóng chuyền Thái, việc sắp lịch thi đấu vào giai đoạn “không giống ai” của họ cũng là một toan tính thâm sâu nữa của các nhà làm bóng chuyền Thái, bởi lẽ sau khi giải VĐQG kết thúc, các VĐV ngôi sao Thái sẽ có dịp được tiếp tục rèn luyện cọ xát nếu như được các CLB nước ngoài nhắm tới.
Đơn cử như giải VĐQG Philippines thường đánh từ tháng 4 đến tháng 12, còn giải VĐQG Indonesia đánh từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm. Điều này đã giúp nhiều VĐV ngôi sao của Thái có mặt ở các giải đấu này, có thêm cơ hội học hỏi và nâng cao thu nhập. Các VĐV còn lại, nếu không được xuất ngoại thi đấu thì cũng sẽ có cơ hội được cống hiến cho ĐTQG, khi đa số các giải đấu lớn ở cấp độ ĐTQG thường được thi đấu vào giai đoạn giữa và cuối năm.
Ngoài giải VĐQG được tổ chức chuyên nghiệp, họ còn có giải Super League dành riêng cho các đội bóng mạnh nhất ở giải VĐQG, và giải Pro Challenge tương tự như giải hạng A của Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là giải Pro Challenge cũng được tổ chức với thể thức chuyên nghiệp hệt như giải VĐQG.
2. … Cho Đến Chuyên Nghiệp Từ Trên Xuống
Để có được thành quả chói lọi như ngày hôm nay, không thể không kể đến công lao của các nhà làm bóng chuyền Thái Lan. Mỗi bước tiến của bóng chuyền Thái đều có dấu ấn đậm nét của những con người tâm huyết này, đặc biệt là ngài chủ tịch Liên Đoàn Bóng Chuyền nước này, ông Somporn Chaibangyang.
Đầu tiên phải kể đến sự khôn khéo và nỗ lực của giới bóng chuyền xứ sở Chùa Vàng, khi họ đã khôn khéo vận động được Liên Đoàn Bóng Chuyền Châu Á (AVC) đến đặt trụ sở ở Bangkok, thủ đô nước này vào năm 2014, sau khi tổ chức này rời khỏi Bắc Kinh, Trung Quốc.
Trụ sở AVC nằm sâu trong tòa nhà chính của Bộ Thể Thao & Du Lịch Thái Lan, cách văn phòng của Liên Đoàn Bóng Chuyền Thái Lan có một bức tường.
Việc có được “bộ não” của tổ chức điều hành toàn bộ hoạt động bóng chuyền châu Á ở ngay “sân sau” của mình đã mang lại lợi thế cực lớn cho bóng chuyền Thái Lan.
Trước hết, phải kể đến việc họ sẽ tiếp cận được những luồng thông tin mới nhất, những tiến bộ và thay đổi mới nhất mà AVC áp dụng vào bóng chuyền, bất kể là trên bàn thảo luận hay là trên các bản thông cáo. Tôn Tử đã nói, “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Với việc trụ sở AVC đặt ngay tại trung tâm Bangkok, người Thái luôn luôn có được lợi thế về mặt “biết người”, ngay từ khi trận đấu còn chưa chính thức bắt đầu.
Tiếp theo, việc AVC có trụ sở đặt tại Thái Lan đồng nghĩa với việc họ sẽ có được một sức ảnh hưởng nhất định lên cơ quan này. Chưa bàn đến chuyện sức ảnh hưởng này là “ngoài sáng” hay “trong tối”, chỉ riêng việc vị Tổng Thư Ký AVC – ông Shanrit Wongprasert – là người Thái, đã cho thấy lời nói của người nước này có sức nặng như thế nào trước giới quản lý bóng chuyền châu Á. Đó là chưa kể đến việc hai trong số bốn nhà tài trợ chính hiện tại của AVC là các tập đoàn Thái Lan (đài SMM Sport và nhà sản xuất dụng cụ thể thao Grand Sport Group).
Nói như vậy không có nghĩa là các đội tuyển xứ sở Chùa Vàng không chiến thắng dựa vào thực lực của mình. Họ đấu bắng thực lực và cả những yếu tố bên ngoài khác. Người viết chỉ muốn đưa ra một thống kê nho nhỏ: Từ trước đến nay, đã có 27 giải đấu ở mọi cấp độ thuộc hệ thống thi đấu của AVC được tổ chức tại Thái Lan, và tổng cộng 38 lần người Thái lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất (tính luôn cả những lần không tổ chức ở Thái).
Trong thể thao thì yếu tố tinh thần là cực kỳ quan trọng. Nếu được thi đấu trên sân nhà, dưới sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà, sẽ là điều không lạ nếu như đội bóng “con cưng” của nước đó thi đấu với 150% sức lực và lẽ dĩ nhiên là khả năng giành danh hiệu của họ sẽ cao hơn rất nhiều.
3. … Và Chuyên Nghiệp Từ Ngoài vào Trong
Thêm vào đó, Liên Đoàn Bóng Chuyền Thái Lan (TVA) cũng là một trong những nhà làm bóng chuyền vào loại tâm huyết và chuyên nghiệp nhất nhì châu Á. Cứ nhìn vào trang chủ của họ là đủ biết. Trang chủ của TVA so với AVC rõ ràng là hơn một trời một vực.
Nếu trang chủ TVA đầy đủ thông tin, giao diện đẹp và được xây dựng một cách vững chắc, thì trang chủ của AVC chỉ là một trang WordPress nghèo nàn về nội dung, xấu xí về thiết kế, với nhiều trang tin bị thiếu cập nhật đến nỗi khi click vào sẽ ra lỗi mất trang (404 Error). Chỉ riêng chuyện dòng slogan của trang chủ AVC còn chưa đổi thành một câu slogan riêng của tổ chức này, mà vẫn còn ở trạng thái mặc định của WordPress (với câu “Just Another WordPress Site”) là đã đủ hiểu trang chủ này bị bỏ bê như thế nào.
Nói chung, nếu so với trang chủ của Liên Đoàn Bóng Chuyền Việt Nam thì cả hai trang web nói trên vẫn còn hơn chán, bởi lẽ hiện tại trang chủ của LĐBCVN đã “sập” mà không hẹn ngày trở lại.
Sự chuyên nghiệp của các nhà làm bóng chuyền Thái Lan còn được thể hiện ở sự chăm chút trong việc thống kê và cập nhật một cách hoàn chỉnh mọi thông tin của giải đấu. Ở mỗi mùa giải, TVA đều mở một trang tin riêng trên ngân hàng tri thức Wikipedia và cập nhật tất tần tật mọi chỉ số của mùa giải lên trang này, chẳng hạn như mùa giải 2018 – 2019. Từ lịch thi đấu, bảng xếp hạng, tới thành tích cá nhân, số khán giả đến sân, cho đến chỉ số chi tiết từng trận, tất cả đều được cập nhật một cách trọn vẹn ở trang này. Thiết nghĩ, nếu LĐBCVN không có đủ kinh phí để duy trì một trang chủ, thì họ có thể xem xét việc hoạt động qua những kênh miễn phí như Youtube (đã có), Facebook (đã có) và Wikipedia (chưa có) như người Thái.
Việc cập nhật thông tin một cách trọn vẹn và đầy đủ bằng tiếng Anh trong suốt nhiều năm qua, đã dần dà giúp cho các VĐV Thái Lan có nhiều lợi thế so với phần còn lại của Đông Nam Á:
- Họ sẽ có cơ sở thống kê chính xác để biết mình đang đứng ở đâu, đồng thời có một hướng đi hoàn thiện bản thân một cách rõ ràng hơn, thay vì chỉ xem băng ghi hình sau mỗi trận đấu một cách cảm tính.
- Người hâm mộ sẽ dễ dàng tiếp cận với giải đấu và các thông tin, thay vì phải mày mò tìm kiếm ở các trang tin không chính thống.
- Quan trọng hơn, các tuyển trạch viên nước ngoài sẽ có cơ sở dữ liệu chính xác và đầy đủ để thuyết phục đội bóng chủ quản xuất tiền mua các cầu thủ Thái. Không phải ngẫu nhiên mà Thái Lan chính là nước “xuất khẩu” VĐV bóng chuyền nhiều nhất trong suốt hơn thập kỷ vừa qua.
Nếu một CLB Thổ Nhĩ Kỳ hay Indonesia muốn có sự phục vụ của một cầu thủ Việt Nam tuyển trạch viên của đội bóng nước này sẽ phải đến VN, xem cầu thủ nọ thi đấu vài trận, và rồi về CLB chủ quản tìm cách thuyết phục chủ tịch bỏ tiền mua một cầu thủ mà chẳng có gì trong tay ngoài vài cuốn băng ghi hình của một vài trận đấu. Trong khi đó, cũng với tuyển trạch viên đó, nếu muốn mua một cầu thủ Thái, họ sẽ dễ dàng tiếp cận được với mọi thông tin chi tiết đến từng cú đập bóng của cầu thủ đó, rằng cầu thủ nọ đã chuyền chính xác ra sao, phòng ngự xuất sắc như thế nào, … trong suốt 10 mùa giải vừa qua. Lẽ dĩ nhiên, vị chủ tịch nọ sẽ dễ dàng gật đầu đồng ý mua cầu thủ Thái, hơn là cầu thủ Việt nọ, bởi trong mắt ông ta, xác suất mà cầu thủ Thái thành công là cao hơn hẳn so với cầu thủ Việt Nam, chỉ đơn giản vì có nhiều số liệu thống kê về cầu thủ Thái hơn.
Rõ ràng, nếu xét về yếu tố nhân lực, thì Thái Lan không hơn Việt Nam là mấy, tuyển nữ Thái Lan chỉ cao trung bình 1m78, có 6/22 VĐV cao từ 1m80 trở lên, không có ai cao quá 1m85, trong khi tuyển nữ Việt Nam đã có chiều cao trung bình là 1m80, hơn Thái đến 2cm. Nhưng nếu xét về cách sử dụng nguồn nhân lực đó (đào tạo trẻ, rèn luyện, thể thức thi đấu, thống kê, …) chúng ta vẫn còn nhiều điều cần phải học hỏi. Vấn đề với chúng ta bây giờ, đó là ý chí thay đổi từ phía các nhà lãnh đạo ngành bóng chuyền có đủ mạnh hay không mà thôi.