Ở kỳ trước, chúng ta đã cùng điểm qua những điểm mạnh đáng học hỏi ở nền bóng chuyền chuyên nghiệp lớn nhất Đông Nam Á là Thái Lan. Kỳ này, hãy cùng người viết khám phá một nền bóng chuyền mạnh khác của khu vực, vốn đã nhiều năm thống trị bóng chuyền nam Đông Nam Á. Đó chính là bóng chuyền Indonesia.
Khác với Thái Lan, bóng chuyền Indonesia chỉ chuyên nghiệp được ở giải đấu cao nhất, giải Pro Liga. Còn ở những cấp độ thấp hơn, các giải đấu đều chỉ ở tầm bán chuyên như Việt Nam, và ở các giải hạng dưới này, chất lượng cầu thủ lẫn trận đấu đều thua xa chúng ta. Giải Pro Liga cũng được tổ chức theo mô hình kiểu Mỹ, nghĩa là các đơn vị nào hội đủ các điều kiện về tài chính, nhân lực, sân bãi, đều có khả năng đăng ký thi đấu ở Pro Liga, và không hề có chuyện thăng hạng – xuống hạng của các đội bóng. Điều này đã làm giảm đáng kể sự cạnh tranh giữa các đội ở Pro Liga lẫn các giải hạng dưới. Mặc cho những bất cập đó, chỉ một giải Pro Liga thôi là đã đủ giúp bóng chuyền Indonesia vươn tầm châu lục. Đây là giải đấu được tổ chức bài bản, với chất lượng thậm chí còn có phần nhỉnh hơn giải VĐQG Thái Lan ở một số khía cạnh.
Chắc chắn, đó không phải là khía cạnh về cơ cấu tổ chức giải đấu. Khác với giải VĐQG Thái kéo dài tận 6 tháng, Pro Liga thường chỉ đánh trong 4 -5 tháng, có khi còn ít hơn. Chẳng hạn như năm nay, khi có 2 đội bỏ giải, Pro Liga 2019 chỉ đánh từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2019. Nhưng dù chỉ diễn ra trong thời gian có hạn, Pro Liga vẫn thi đấu theo một thể thức sân nhà – sân khách khá chuyên nghiệp mà chúng ta có thể học theo.
Nếu như ở giải Thái, mỗi cuối tuần từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm, sẽ có 4 trận đấu được tổ chức tại một sân vận động nhà bất kỳ của một đội bóng trong giải, thì ở Pro Liga, mỗi tháng sẽ có tầm 2-3 “tour” thi đấu ở 2-3 thành phố được chỉ định sẵn bởi Liên Đoàn Bóng Chuyền Indonesia (PBVSI). Các thành phố này không nhất thiết cứ phải là một thành phố sân nhà của một đội bóng nào đó (vì có đến hơn một nửa số đội Pro Liga đặt trụ sở tại thủ đô Jakarta), mà chỉ là một tỉnh thành nơi BTC nhận định rằng họ sẽ có khả năng thu hút được lượng khán giả đến sân đông nhất.
Mỗi tour như vậy sẽ gồm từ 10-12 trận đấu, thi đấu trong 3 ngày (riêng năm nay, khi số đội tham gia giảm đột ngột, số trận cũng theo đó giảm còn 8-9 trận trong 3 ngày). Ở mỗi thành phố mà giải đấu đi qua, PBVSI đều chỉ định một đội bóng nhận thành phố đó làm sân nhà của mình. Chẳng hạn, ở tour đầu tiên năm nay, đội Jakarta Pertamina được chọn làm chủ nhà của tour tổ chức tại sân Among Raga, thành phố Jogjakarta. Các CĐV Jogjakarta đến sân đều cổ vũ cho đội bóng “con nuôi” này nồng nhiệt như thể đội bóng này thực sự “đóng đô” ở đây.
Thiết nghĩ, đây là một mô hình tổ chức khá thú vị mà chúng ta có thể xem xét áp dụng vào bóng chuyền Việt Nam. Bởi lẽ, nó là một “bước đệm” nằm giữa lối tổ chức truyền thống của chúng ta và lối tổ chức chuyên nghiệp của Thái Lan, mà không cần đến quá nhiều chi phí di chuyển của các đội. Vì BTC đã “nhắm” những địa điểm có nhiều người đam mê bóng chuyền để tổ chức tour, tiền vé thu được từ các SVĐ chật kín CĐV sẽ được dùng để trang trải chi phí đi lại và ăn ở cho các đội, vốn không phải là quá nhiều, khi cả giải chỉ bao gồm 6 đội nam và 5 đội nữ.
Nói đến chuyện bán vé, đây cũng là một nét tân tiến nữa của bóng chuyền Indonesia khi họ áp dụng phương pháp phân chia các hạng vé trong sân của bộ môn bóng rổ. Hạng vé rẻ nhất sẽ dành cho các ghế ngồi trên cao, ở xa mặt sân nhất, tiếp theo là các hạng vé gần sân hơn, và đắt đỏ nhất là hạng vé courtside, nghĩa là vé dành cho các ghế ngồi được kê trên mặt sân, chỉ cách VĐV có vài bước chân. Thiết nghĩ, đây lại là một cải tiến nữa mà chúng ta có thể áp dụng nhằm tăng thu nhập cho BTC. Tuy nhiên, một phần thu nhập này cần được đầu tư ngược lại vào lực lượng an ninh trong sân, tránh tình trạng kiểm soát vé lỏng lẻo và để khán giả tuy mua hạng vé rẻ nhưng lại ngồi vào hàng ghế của hạng vé đắt hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người đã bỏ nhiều tiền để thưởng thức chất lượng trận đấu tốt hơn. Thêm vào đó là tình trạng bảo vệ mở cửa cho người quen vào sân miễn phí, thậm chí là ngồi vào các ghế Courtside, như đã diễn ra ở Cúp Hùng Vương nhiều năm gần đây.
Ngoài ra, khả năng ngoại giao khôn khéo của PBVSI, mà điển hình nhất là ông ủy viên Ban Thường Vụ Hanny Surkatty. Cùng với những thành viên PBVSI khác (đa số là các tướng lĩnh nhiều ảnh hưởng trong ngành công an & quân đội Indonesia), Hanny đã vận động được rất nhiều nguồn tài trợ “khủng” đầu tư vào bộ môn bóng chuyền nước này. Có thể kể đến những doanh nghiệp quốc doanh sừng sỏ như tập đoàn dầu khí Pertamina, tập đoàn điện lực quốc gia Indonesia Electrik PLN, hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia, ngân hàng lớn nhất miền tây Indonesia Bank Sumsel Babel, ngân hàng quốc gia BNI, cùng với những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu đất nước như tập đoàn đa ngành Samator (đội bóng từng có sự phục vụ của Ngô Văn Kiều), tổng công ty phân bón Gresik Petrochemical (tương tự như công ty Bình Điền đang tài trợ cho đội nữ Long An) và ngân hàng BJB Bandung.
Song song với việc vận động tìm nhà tài trợ, PBVSI còn cực kỳ chủ động trong việc giữ chân các nhà tài trợ này, bằng việc tạo mọi điều kiện để tạo ra giá trị gia tăng cho họ trong mỗi trận đấu. Nếu như ở Việt Nam, đầu tư vào bóng chuyền gần như là một khoản tiêu hàng năm vài tỷ để “nuôi” một tập thể hai mươi mấy người, mà hầu như các doanh nghiệp đầu tư bóng chuyền không thu lại được lợi ích gì, ngoài sự thỏa mãn của các ông/bà bầu đam mê bóng chuyền, thì ở Indonesia, đầu tư vào bóng chuyền lại là một hoạt động mang lại lợi ích thực sự cho các nhà tài trợ.
Ở mỗi trận đấu Pro Liga, PVBSI đều bố trí một màn hình gần 200 inch (chưa rõ là tài sản của PBVSI hay đi thuê), cùng với 4 bộ loa lớn đặt ở bốn góc sân, khi trận đấu đang diễn ra, thì màn hình này đóng vai trò là bảng điểm điện tử của trận đấu, nhưng bất cứ khi nào trận đấu được tạm dừng (hai đội xin nghỉ giải lao giữa hiệp, technical time-out) hoặc khoảng nghỉ giữa hai trận, thì màn hình này liên tục phát những đoạn phim quảng cáo ngắn của các nhà tài trợ các đội bóng. Thi thoảng còn có những đơn vị bên ngoài mua quyền phát quảng cáo của họ xen kẽ với những đoạn phim nói trên. Việc đưa nội dung quảng cáo của doanh nghiệp mình, liên tục mười mấy lần trong một ngày, đến với lượng khán giả có khi đông đến ngót vạn người luôn là một mơ ước của bất kỳ người làm marketing nào.
Đó là chưa kể ở mọi trận đấu, BTC còn cho các đội dựng rất nhiều băng rôn, poster quảng cáo khắp sân vận động, nhằm tạo thêm giá trị quảng bá cho các đội bóng nói riêng và doanh nghiệp tài trợ nói chung. Bên ngoài sân, BTC cũng bố trí những sạp bán hàng lưu niệm, thức ăn nhanh, … xen kẽ với những sạp quảng bá cho thương hiệu các nhà tài trợ.
Chính nhờ sự vận động này của PBVSI mà các đội ở Pro Liga đã có được nguồn tài trợ dồi dào, và đủ sức để thu hút các tay đập không những giỏi chuyên môn mà còn đẹp về ngoại hình như Anna Stepaniuk (tuyển thủ quốc gia Ukraina, từng giúp đội tuyển nước này vô địch châu Âu và ẵm luôn danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất), Lindsay Stalzer (từng nhiều năm chơi cho tuyển Mỹ, cùng đội tuyển nước này vô địch thế giới và phá nhiều kỷ lục cá nhân ở giải bóng chuyền quốc gia Mỹ), Kongyot Ajcharaporn và Kokram Pimpichaya (bộ đôi cầu thủ triển vọng vào hạng nhất của bóng chuyền nữ Thái Lan vào thời điểm hiện nay), Aleksandar Minic (tuyển thủ quốc gia Montenegro với chiều cao 2m05). Đây là một phần lớn lý do lôi kéo khán giả đến sân thi đấu.
Tuy nhiên, một trận đấu bóng chuyền theo thể thức chuyên nghiệp dù có hay đến đâu, thì cũng sẽ có những lúc nhàm chán. Ấy vậy mà các sân bóng chuyền Pro Liga không khi nào là không đầy kín khán giả. Điều này có thể được lý giải là do đầu óc tổ chức sáng tạo của BTC. Chẳng hạn như ở tour Pro Liga gần đây nhất, BTC đã sắp xếp một … DJ nữ với đầy đủ dụng cụ để “quẩy” nóng không khí trên sân trong giờ giải lao giữa hai trận đấu.
Nhiều năm nay, chúng ta luôn tự bảo nhau rằng “bóng chuyền mình còn nghèo”, và xem đó như là dấu chấm hết, là lời bào chữa tối hậu cho sự kém phát triển của bóng chuyền Việt Nam, đúng theo kiểu bao cấp xin-cho. Nếu có tiền từ trên rót xuống thì phát triển, còn không thì bỏ xó. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi, và tấm gương bóng chuyền Indonesia ở trên đã cho thấy, kinh phí hoạt động không phải là cái không thể có, nếu như quá trình tổ chức được phát triển một cách bài bản và có chiều sâu. Vấn đề còn lại ở đây, là các nhà hoạch định bóng chuyền Việt Nam có thực sự quyết tâm thay đổi hay không mà thôi.