Bóng Đá

“Soi Giò” Điểm Mạnh – Yếu Của Tuyển Nhật Bản

Nhật Bản là đội bóng tầm cỡ ở châu lục, nhưng họ không phải là không có điểm yếu.

Trái ngược với hành trình tương đối chật vật của chúng ta trên con đường tiến vào trận tứ kết tối nay, các cầu thủ Nhật bản đã nhẹ nhàng vượt qua vòng bảng với ba chiến thắng tuyệt đối. Họ ghi tổng cộng 7 bàn và chỉ để lọt lưới có 3 bàn, 2 trong số đó đến từ trận thắng 3-2 trước Turkmenistan và bàn còn lại đến từ trận thắng 2-1 trước Uzbekistan.

Nhật Bản có điểm mạnh là các pha bóng chết. Họ có đến 14 cơ hội nguy hiểm từ các tình huống bóng chết ở giải năm nay, chỉ thua có mỗi Iran (15 cơ hội). Hai trong số 4 trận thắng của họ từ đầu giải (trước Ả Rập Xê Út và Oman) đều được quyết định bởi một bàn thắng từ tình huống cố định. Họ có các chuyên gia đá phạt đẳng cấp như Takumi Minamino (đang đá cho RB Leipzig, Đức) và Ritsu Doan (FC Groningen, Hà Lan), cùng những trung vệ cao to, dày dạn kinh nghiệm như Maya Yoshida (Southampton, Anh) và Takehiro Tomiyasu (Sint-Truiden, Bỉ), sẵn sàng ập vào đánh đầu ghi bàn trong những tình huống cố định.

Maya Yoshida thực sự là một hiểm họa đáng gờm trước các cầu thủ có phần thấp bé của chúng ta. Ảnh: FIFA

Thêm vào đó, sự cơ động của mọi cầu thủ trong đội hình Nhật Bản cũng góp phần tạo nên sức mạnh tiếp theo của đội tuyển xứ Mặt Trời Mọc: họ là một đội bóng có khả năng chuyển trạng thái trong chớp nhoáng. Trong bóng đá hiện đại, thì việc chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công và ngược lại luôn là một bài toán khó cho bất kỳ một HLV nào. Thế nhưng, với HLV Hajime Moriatsu thì đó chỉ là bài toán cho … học sinh cấp một. Bởi lẽ, với sự xông xáo cùng thể lực dồi dào, kỹ thuật điêu luyện, cộng với khả năng làm việc liên tục như những cỗ máy của các cầu thủ Nhật, việc họ cướp bóng trong chân đối thủ sau khi pressing tầm cao, rồi ngay lập tức đập nhả để chuyển từ phòng ngự sang tấn công, hoặc ngay lập tức dồn toàn bộ đội hình về phòng thủ số đông sau khi để mất bóng là những điều không còn lạ khi xem tuyển Nhật Bản thi đấu.

Chính sự cơ động này đã khiến BLV của Fox Sports Asia phải thốt lên “Tôi không biết Nhật Bản đang chơi với 4-4-2 hay 2-4-4 nữa”. Bởi lẽ khi có bóng, lập tức hai tiền vệ cánh dâng lên đóng vai trò hai tiền đạo cánh, đồng thời hai hậu vệ cánh ập lên trám vào vị trí của hai cầu thủ này, tạo thành một tập thể tấn công với 8 cầu thủ, tạo nên sức ép kinh người đã khiến cho tuyển Uzbekistan phải vỡ vụn và vào lưới nhặt bóng đến 2 lần.

Rõ ràng, không cần phải nói thì ai cũng biết rằng Samurai Xanh là một trong những đội mạnh nhất – nếu không phải nói là mạnh nhất giải năm nay. Gần như toàn bộ đội hình chính của họ đều chơi bóng ở châu Âu, và không có vị trí nào của họ là không dày dạn kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ sẽ chắc chắn chiến thắng trước đội bóng non trẻ và gồm toàn các cầu thủ đá ở giải quốc nội như chúng ta.

Bởi lẽ, các cầu thủ Nhật luôn phải chịu áp lực cực lớn từ phía khán giả nhà. Việc là đội bóng “cửa trên” ở Châu Á luôn buộc họ phải thắng. Nếu mục tiêu của chúng ta ở Asian Cup năm nay chỉ là vượt qua vòng bảng (và đã hoàn thành mỹ mãn) thì mục tiêu của Nhật Bản với đấu trường Asian Cup này không khi nào nằm ngoài hai chữ “vô địch”. Chính vì thế, việc họ yếu tâm lý hơn là có thể lường trước. Những đôi chân nặng trĩu vì sức nặng của áp lực luôn là những đôi chân dễ mắc sai lầm nhất.

Các cầu thủ Nhật luôn chịu áp lực rất lớn khi thi đấu. Trong ảnh là họ đang cúi đầu xin lỗi CĐV khi thi đấu không thành công trước Ba Lan ở World Cup 2018. Nguồn: FIFA

Chưa dừng lại ở đó, Nhật Bản cũng chưa thể hiện rõ sức mạnh của mình ở giải năm nay, khi dù họ thắng trong tất cả mọi trận mình tham gia, nhưng không có trận nào thắng hơn một bàn. Từ những đội bóng làng nhàng cửa dưới như Turkmenistan đến các đối thủ nặng ký như Uzbekistan hay Ả Rập Xê Út, không phải là các cầu thủ tấn công Nhật không dâng lên tấn công sau khi đã dẫn bàn, chỉ là họ lực bất tòng tâm khi muốn nâng cách biệt lên quá một bàn. Đặc biệt, trận đấu với Oman là trận đấu mà các cầu thủ Nhật bế tắc đến đỗi phải nhờ một bàn thắng gây nhiều tranh cãi từ chấm phạt đền thì mới thắng nổi đội bóng vùng Vịnh này.

Chính vì thế, hi vọng dành cho chúng ta không phải là không có, chỉ là không biết liệu các cầu thủ Việt Nam có vững tinh thần để khai thác những điểm yếu và hóa giải những điểm mạnh của “ông kẹ” này không mà thôi.

Click to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Tin Đọc Nhiều

To Top