Những ngày này, từ trong nhà ra ngoài ngõ, ai ai cũng thấy được không khí tưng bừng của mùa Asian Cup 2019 – một mùa giải mà đội tuyển quốc gia Việt Nam của chúng ta đã không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra – vượt qua vòng bảng – mà còn vượt xa hơn thế, với thành tích lọt vào nhóm 8 đội mạnh nhất châu lục.
Chúng ta, những người hâm mộ bóng đá, hoàn toàn có quyền hạnh phúc, tự hào trước những gì mà các cầu thủ “con cưng” đã đạt được cũng như thể hiện được ở đấu trường cao nhất châu lục. Tuy nhiên, sau chiến thắng cũng là lúc chúng ta cần phải cảnh giác cao độ và nâng cao sự chuẩn bị của mình cho những giải đấu tiếp theo.
Nếu nói rằng bóng đá và … âm nhạc có nhiều điểm tương đồng thì có lẽ nhiều người sẽ lắc đầu mà cho rằng đó là lý sự vớ vẩn. Nhưng trong thực tế, có một hiện tượng đã cùng xuất hiện trong cả môn thể thao vua lẫn làng âm nhạc quốc tế. Đó là hiện tượng “One Hit Wonder”, nghĩa là chói sáng một lần rồi vụt tắt.
Có thể kể đến những ca sĩ, nhóm nhạc với các bản “hit” chỉ rộ lên một thời gian, cực kỳ thành công, để rồi chìm vào quên lãng vì không thể tiếp nối thành công đó bằng những thành tích tiếp nối, đơn cử như J-Kwon với hit đình đám “Tipsy”, Aqua với “Barbie Girl”, hay gần đây hơn là James Blunt với “You’re Beautiful”, Magic! với “Rude”, hoặc Gotye & Kimbra với “Somebody That I Used To Know”.
Trong bóng đá, từ “One Hit Wonder” không chỉ gói gọn vào các vận động viên như Andy Carroll, Salif Diao, Jerzy Dudek, hay Michu, những người chỉ nổi lên như cồn trong một mùa giải, rồi chìm vào quên lãng trong suốt phần còn lại của sự nghiệp, mà nó còn được dùng để miêu tả các đội bóng chỉ thành công chớp nhoáng như vậy, có thể nói đến Leeds United, Hertha Berlin, Nottingham Forest hay gần đây hơn là Leichester City.
Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, “One Hit Wonder” nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá chắc có thể phải nói đến tuyển Hy Lạp năm 2004. Vốn tham dự EURO chỉ với hy vọng vượt qua vòng bảng, nhưng tuyển Hy Lạp đã làm tất cả phải đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác với lối đá phòng ngự thép, tận dụng tối đa mọi tình huống bóng chết và đã giành được chức vô địch EURO trong sự ngỡ ngàng của cả thế giới. Tuy nhiên, kể từ thành công đó, bóng đá Hy Lạp dần mai một và ngày nay họ đã trở lại xuất phát điểm năm đó, thậm chí là còn tệ hơn rất nhiều.
Ở Châu Á, Triều Tiên cũng là một ví dụ điển hình, họ từng làm nên lịch sử khi là đội bóng châu Á đầu tiên trong lịch sử bóng đá thế giới vào đến Tứ Kết World Cup 1966, đánh bại tuyển Italia 1-0, rồi giành quyền tham dự VCK World Cup 2010, nhưng rồi bóng đá nước này càng lúc càng thụt lùi, và đến VCK Asian Cup năm nay thì chỉ còn là một đội lót đường, thua Qatar đến 0-6 và để cả đội bóng tí hon Lebanon đánh bại với tỷ số 4-1.
Có thể nói, lứa cầu thủ Việt Nam hiện tại có thể được xem là “thế hệ Vàng” của bóng đá Việt Nam, với “những đứa con bầu Đức” như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Hồng Duy, cùng với những Quang Hải, Hùng Dũng, Văn Lâm, Ngọc Hải, tạo nên một bộ khung vững chắc cho đội bóng, có thể gọi là một tập thể khôn chiến thuật, khéo kỹ thuật, bền thể lực mà chắc tâm lý. Chính tập thể này đã có đủ trình độ để đưa chúng ta vào đến tận Chung Kết U23 Châu Á 2018, Bán Kết Asiad 2018, Vô Địch AFF Cup 2018 và Tứ Kết Asian Cup 2019.
Tuy nhiên, nhìn lại những chiến công hiển hách kể trên, tuy chắc chắn không thể chối bỏ tài năng của các cầu thủ chúng ta, nhưng cũng cần phải xét đến một yếu tố cực kỳ quan trọng khác, đó là vị thế của chúng ta trong mắt đối thủ. Mặt cỏ không khác gì chiến trường, và kẻ khinh địch thường là kẻ thất bại. Trước VCK U23 Châu Á 2018, gần như phần còn lại của châu Á chưa hề biết gì về hai chữ “Việt Nam” trên bản đồ bóng đá châu lục. Họ thường hay nhắc đến chúng ta bằng cái cách chúng ta dùng để nhắc đến Lào, Campuchia hay Đông Timor.
Không khó hiểu khi các đội bóng đã khinh thường chúng ta lại thất bại một cách chóng vánh dưới đôi chân không biết mệt mỏi của những Chiến Binh Sao Vàng, chúng ta đã có gần như mọi thứ, đó là “thiên thời” và “nhân hòa”.
Sau VCK U23, là đến Asiad 2018, lần này thì các đội tuyển đối phương đã có chút gì đó e dè hơn với chúng ta, khi họ thi đấu với một sự tôn trọng nhất định: Hàn Quốc mang hết đội hình mạnh nhất ra đá bán kết, còn UAE cả trận chỉ biết tử thủ và ngã ăn vạ chờ đến giờ sút luân lưu. Một phần vì lý do đó mà chúng ta từ Hạng Nhì, rơi xuống Hạng Tư.
Nhưng đó chỉ là ở cấp độ U23, và đến Asian Cup năm nay, ở cấp độ đội tuyển quốc gia, đã có đội đã trả giá đắt vì không lường trước được sức mạnh của chúng ta, và đội bóng đó tên là Jordan. Chính sự khinh địch của họ đã khiến tinh thần họ phải rối loạn khi bị Công Phượng chọc thủng lưới, đến cả HLV Van Borkelman còn phải thú nhận là các cầu thủ của ông đã phải “hoảng loạn” trước Việt Nam.
Nhưng Iraq đã không khinh chúng ta, vì họ đã phải nếm trái đắng trong thất bại 3-3 trước chúng ta ở Tứ Kết U23 Châu Á, chính vì sự kiêng dè của người Iraq mà họ đã tránh được cho mình một thất bại nữa. Giả sử nếu họ “cất” Muhanad Ali, Ali Adnan hay Humam Tareq trên băng ghế dự bị vì coi thường chúng ta, thì việc ta thắng họ cũng không có gì là lạ.
Chính vì thế mà ta hãy cứ vui cho trọn niềm vui Asian Cup năm nay, nhưng đừng quên vội tự mãn mà cho rằng mình đã vươn lên tầm châu lục mà lơ là công tác tập luyện, chuẩn bị. Nguy cơ “One Hit Wonder” luôn tiềm ẩn với bất kỳ đội bóng nào, bất kể đội bóng đó đã từng mạnh đến đâu.