Những thành công, vui buồn hay hụt hẫng của thể thao Việt Nam có dấu ấn đậm nét của bóng đá nam, được mệnh danh là môn thể thao Vua ở các kỳ SEA Games.
Thể thao Việt Nam trở lại với SEA Games vào năm 1995. Thời điểm đó, thể thao nước nhà không đặt quá nhiều áp lực với đội tuyển bóng đá nam. Bởi lẽ, các chàng trai áo đỏ ít có kinh nghiệm thi đấu quốc tế, lại đối đầu với hàng loạt đội bóng mạnh trong khu vực.
Thế nhưng, Lê Huỳnh Đức cùng đồng đội gây nên cú sốc lớn. Đội tuyển Việt Nam vượt qua bảng đấu khó khăn với những Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Chưa dừng lại, đoàn quân áo đỏ hiên ngang tiến vào chung kết sau khi đánh bại Myanmar với tỷ số 2-1. Thất bại 0-4 trước Thái Lan không phải là điều quá bất ngờ.
Tấm HCB ở SEA Games 1995 mang đến xúc cảm đặc biệt, ngoài sức tưởng tượng của người hâm mộ. Và ở kỳ SEA Games 18 đó, đoàn thể thao Việt Nam đặt dấu ấn với 10 tấm HCV. Một thành tích đáng khen ngợi. Kỳ SEA Games thành công mỹ mãn với thể thao nước nhà khi bóng đá nam tạo dấu ấn đậm nét, đoàn thể thao mang về thành tích ấn tượng.
Trong bất kỳ đại hội thể thao, bóng đá luôn là môn thể thao Vua. Sự toàn bích của một đoàn thể thao thường có dấu ấn không nhỏ của môn này. Và kể từ lần đoạt tấm HCB đó, bóng đá nam Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm. Cơn khát danh hiệu kéo dài đến kỳ SEA Games 30.
Đội bóng của HLV Park Hang Seo lên ngôi vô địch một cách thuyết phục. Tấm HCV càng có ý nghĩa khi đánh dấu lần đầu tiên ở SEA Games, bóng đá Việt Nam bước lên bục cao nhất. Sự thành công còn đến mỹ mãn khi đội nữ cũng giành HCV sau khi đánh bại Thái Lan và đoàn thể thao Việt Nam vượt chính đối thủ để xếp thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương.
Nếu tính xét giữa thành tích bóng đá nam và đoàn thể thao Việt Nam, hai kỳ SEA Games 18 và 30 mang đến xúc cảm đặc biệt về sự toàn bích của thể thao nước nhà.
Trước đó, bóng đá nam mang đến cảm giác buồn xen lẫn hụt hẫng cho một kỳ Đại hội. Ở SEA Games 22, đoàn chủ nhà đã xuất sắc đứng đầu bảng tổng sắp huy chương với 158 HCV, bỏ xa Thái Lan đến 68 HCV. Thế nhưng, niềm vui không thật sự trọn vẹn khi U23 Việt Nam thất bại trước chính đối thủ trong trận chung kết với tỷ số 1-2.
Sáu năm sau, khi SEA Games được tổ chức ở Lào, đoàn thể thao Việt Nam có cuộc cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan. Dù xếp thứ nhì toàn đoàn song đó là kỳ đại hội thành công của thể thao nước nhà. Ấy vậy, thất bại đau đớn của bóng đá nam Việt Nam trước Malaysia trong trận chung kết phần nào khiến niềm vui không trọn vẹn.
Đã rất nhiều kỳ SEA Games, bóng đá nam mang đến cảm xúc hụt hẫng trong bức tranh tổng thể về thành tựu đạt được của cả đoàn thể thao nước nhà. Đó là tấm HCB ở Bacolod năm 2005 với đại án bán độ hay các kỳ SEA Games bị loại ngay vòng bảng vào các năm 2001, 2013 và 2017.
Thành công và thất bại luôn gắn liền với thể thao. Và ở kỳ SEA Games đặc biệt trên sân nhà, tất cả người hâm mộ đều hướng về U23 Việt Nam với sự kỳ vọng lớn lao. Theo nhận định của giới chuyên môn, ngôi vị số 1 chung cuộc khó thoát khỏi chủ nhà Việt Nam.
Điều người hâm mộ quan tâm nhất chính là thầy trò HLV Park Hang Seo có bảo vệ thành công tấm HCV. Với đặc quyền của nước chủ nhà, Việt Nam công bố độ tuổi là U23 + 3. Lợi thế lớn nhất với U23 Việt Nam chính là có lực lượng gần như tốt nhất khi hầu hết các cầu thủ thi đấu trong nước và các giải đấu đều tạm dừng.
Trong khi đó, các đối thủ đều không thể mang đội hình tốt nhất đến Việt Nam. HLV Park Hang Seo nắm giữ những lợi thế nhất định, từ con người cho đến điều kiện sân bãi. Song, áp lực sẽ rất lớn khi các đối thủ đều hạ quyết tâm soán ngôi chủ nhà. Trong đó, Indonesia có khát vọng mãnh liệt để chấm dứt hơn 30 năm khô hạn danh hiệu.
Tuy nhiên, nếu xét trên các khía cạnh, U23 Indonesia cũng chính là đối thủ lớn nhất của U23 Việt Nam khi U23 Thái Lan, U23 Malaysia, U23 Philippines hay U23 Myanmar không có sự chuẩn bị tốt nhất.
Rõ ràng, thuận lợi với U23 Việt Nam rất lớn song để bảo vệ tấm HCV là cả hành trình dài với thầy trò HLV Park Hang Seo. Người hâm mộ đang chờ niềm vui trọn vẹn từ bóng đá nam cũng như đoàn thể thao Việt Nam ở kỳ SEA Games 31 này.
Theo Webthethao