Lịch sử bóng đá Việt mới chứng kiến một hậu vệ 4 lần có tên ở top 3 Quả bóng vàng, cái tên tài đức vẹn toàn, hơn 20 năm vẫn được yêu mến, quý trọng. Tên anh là Trần Công Minh.
Gần 20 năm sau ngày Công Minh giải nghệ, bóng đá Việt Nam đã có những hậu vệ mới tài năng và nhiệt huyết không kém như Quế Ngọc Hải, Đoàn Văn Hậu hay Vũ Văn Thanh. Rất khó so sánh các lứa, thế hệ cầu thủ trên mọi phương diện, bởi lứa sau tốt hơn lứa trước nhờ tiến bộ về khoa học thể thao cũng như dinh dưỡng là chuyện hiển nhiên trong bóng đá hiện đại.
Nhìn lứa hậu bối đưa bóng đá Việt Nam bước lên ngai vàng khu vực và trở thành một trong những đội phòng thủ hay nhất châu Á, những cầu thủ như Công Minh, Đỗ Văn Khải ngày xưa chắc chắn tự hào. Tuy nhiên, để tìm hậu vệ có tới 4 lần giành bóng vàng, bạc, đồng như Công Minh là chưa từng có ở Việt Nam.
Công Minh là của hiếm của bóng đá Việt Nam về cả tài năng, đức độ và mức độ cống hiến, đúng như chuyên gia Nguyễn Sỹ Hiển nhận định: “Nếu muốn một người trọn vẹn về chuyên môn, tư cách đạo đức và nhiều đóng góp cho đội tuyển, tôi tin Công Minh vẫn là người được quý mến hơn cả”.
|
|||||||
(Từ trái qua), Công Minh, Nguyễn Hồng Sơn và Lê Huỳnh Đức tại lễ trao giải Quả bóng vàng 1998. Sự nghiệp của Công Minh có 4 lần đứng trên bục này, bằng chứng cho tài năng và sự bền bỉ tuyệt vời của một hậu vệ. Ảnh: Hoàng Tùng/SGGP.
Hậu vệ biên công thủ toàn diệnMảnh đất miền Tây thập niên 90 là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triển những tài năng nổi trội cho bóng đá Việt Nam. Ở tuyến trên, Nguyễn Minh Phương và Phan Văn Tài Em là niềm tự hào trong chiến dịch vô địch AFF Cup 2008 thì trước đó 10 năm, tiền bối của cả hai là Trần Công Minh đã xác lập vị trí riêng trong dòng chảy lịch sử. Thi đấu nhiều vai trò, sở hữu nhiều phong cách chơi bóng, nhưng những người con miền Tây sông nước gắn với nghiệp quần đùi áo số đều gặp nhau ở cái nét chân quê, chất phác ít trộn lẫn. Nhắc đến Công Minh, nguyên Phó chủ tịch VFF Dương Vũ Lâm vẫn không quên hình ảnh chàng trai hiền lành, ít nói và chỉ để những màn thể hiện trên sân thay mình lên tiếng. “Thời thi đấu ở Đồng Tháp và lên tuyển năm 1995, Công Minh là một trong những hậu vệ biên tốt nhất, trình độ chuyên môn cao, thi đấu quyết liệt, đá vừa công, thủ dọc biên và rất toàn diện. Công Minh nổi bật nhất thời đó ở Đồng Tháp rồi sau đó là tuyển quốc gia. Cũng giống như Huỳnh Quốc Cường, Tài Em, lứa cầu thủ miền Tây thật thà lắm, nghĩ một là nói một, không có chuyện nghĩ một mà nói hai, nói ba”. “Đôi khi, lứa ấy lành quá, nên hay bị các cầu thủ khác trêu chọc. Công Minh cũng đá bình tĩnh, luôn đảm bảo trình độ chuyên môn ở các giải quốc tế hay trong khu vực dù phải chịu thiệt thòi là không được tham gia nhiều giải trẻ, không giống các cầu thủ bây giờ. Hồi xưa, cầu thủ trưởng thành rồi mới được tham gia, lại ít được đá các giải quốc tế. Như SEA Games, tầm cỡ đội tuyển mới được đá, chứ không phải đội U23 như bây giờ”, ông Lâm nói với Zing. Với Công Minh, sự lặng lẽ, bền bỉ cũng là phẩm chất cùng anh đi hết chiều dài sự nghiệp ở vị trí mà đến hôm nay, bóng đá mới phần nào ghi nhận sự quan trọng xứng đáng như hậu vệ cánh.
5 năm thi đấu trong màu áo tuyển là đủ để giúp Công Minh tạo dấu ấn không thể phai mờ. Tại Tiger Cup 1996, anh là một trong những người chơi hay nhất tuyển Việt Nam với 2 bàn vào lưới Myanmar và Lào. Pha đẩy bóng dài và sút tung nóc lưới Myanmar trong chiến thắng 4-1 của tuyển Việt Nam hội tụ những phẩm chất tốt nhất của Công Minh: Sức mạnh, tốc độ và cả sự táo bạo, dù anh không cần những bàn thắng để bước vào ngôi đền huyền thoại. Gác lại nỗi buồn thua trận chung kết Tiger Cup 1998 với cái đánh lưng oan nghiệt của Sasi Kumar, Công Minh đạt đỉnh cao phong độ ở SEA Games 1999. Người con Sa Đéc đã hợp cùng với Đỗ Khải, Mai Tiến Dũng, Phạm Như Thuần và Nguyễn Đức Thắng tạo thành hàng phòng ngự hay nhất giải đấu khi không thủng lưới bàn nào trên đường vào chung kết. Màu huy chương SEA Games năm ấy vẫn là màu bạc, không khác so với Chiang Mai 1995, nhưng hành trình đáng nhớ của tuyển Việt Nam cũng giúp Công Minh giành Quả bóng vàng. Anh là hậu vệ phải duy nhất, cũng là đứa con đầu tiên của miền Tây đoạt danh hiệu này. Sự ghi nhận dành cho Công Minh cho thấy không phải những khoảnh khắc, mà chính sự chuyên nghiệp, cần mẫn, chắc chắn và ổn định mới là phẩm chất giúp cầu thủ chinh phục được cả những nhà chuyên môn và người hâm mộ. Công Minh giải nghệ năm 2002, khép lại sự nghiệp huy hoàng với thêm một lần giành Quả bóng bạc (1996) và 2 lần giành Quả bóng đồng (1997, 1998). Trong màu áo Đồng Tháp, Công Minh cũng 2 lần vô địch quốc gia. Ngoại trừ một danh hiệu vô địch cùng tuyển quốc gia, nhiệm vụ vô cùng khó khăn ở thời điểm ấy, sự nghiệp Công Minh đã rất viên mãn. Giấc mơ bình dị của “người lái đò”Chia tay quần đùi áo số, nhưng cái nghiệp của Công Minh vẫn gắn chặt với trái bóng tròn. Cũng giống nhiều đồng đội như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng hay Nguyễn Đức Thắng, Công Minh tham gia huấn luyện, nhưng không có danh hiệu vô địch nào. Ông nắm Đồng Tháp trong giai đoạn 2003-2006 trước khi giữ vai trò HLV tạm quyền ở Đồng Tâm Long An.
Dưới sự dẫn dắt của HLV Công Minh, Long An chơi quật khởi ở mùa 2008 và đứng hạng nhì, chỉ kém nhà vô địch Becamex Bình Dương 2 điểm. Tuy nhiên, sự sa sút của “Gạch” do không được đầu tư lực lượng khiến Công Minh không thể bứt phá, cả trên vai trò trợ lý lẫn tạm quyền. V.League 2009, Đồng Tâm Long An của Công Minh được mệnh danh là vua hòa với 13 lần chia điểm sau 26 trận, khiến ông phải thốt lên: “Tôi muốn 7 thắng, nhưng cuối cùng lại là 9 hòa”. Sau mùa 2009 “chết hụt” khi chỉ hơn suất đá play-off của Gạch men Mikado Nam Định 3 điểm, Long An lẫy lừng cuối cùng phải xuống hạng cuối mùa 2011. Vài tháng sau, Công Minh ra đi. Trở về mái nhà xưa Đồng Tháp, Công Minh cũng không thể vực dậy đội bóng miền Tây trong giai đoạn thoái trào. Đồng Tháp của Công Minh rớt hạng ở V.League 2016 và không còn cho thấy khát vọng cạnh tranh đỉnh cao. Gập ghềnh bóng đá sông nước khiến các cựu danh thủ nơi đây lựa chọn nhiều ngã rẽ khác nhau. Minh Phương ra đi, làm giám đốc kỹ thuật ở Bình Phước, còn Tài Em “ẩn mình” sau thất bại tại CLB Sài Gòn. Từng là trợ lý cho HLV Toshiya Miura ở đội tuyển và được đánh giá cao về kinh nghiệm trong nghề, Công Minh được mời về làm trợ lý cho HLV Chung Hae-seong ở CLB TP.HCM, nhưng đã từ chối để lựa chọn huấn luyện tại Học viện Juventus Việt Nam cùng giám đốc Đinh Hồng Vinh. Không còn làm việc trong môi trường bóng đá đỉnh cao, song với Công Minh, công việc sư phạm bóng đá trẻ cũng có thú vui riêng.
“Làm trẻ có niềm vui của nó. Tôi thương tụi nhỏ nên ở lại học viện Juventus, để mai này các em cố gắng theo được nghề đá bóng. Học viện Juventus Việt Nam trang bị điều kiện làm việc rất tốt, địa phương tạo điều kiện, làm bóng đá bài bản. Tôi yêu mấy đứa trẻ ở đây. Tương lai mình không nói trước được, nhưng vào lúc này tôi muốn gắn bó với các cháu ở đây. Tụi nhỏ cần người truyền đạt, chia sẻ cả về chuyên môn và cuộc sống”. “Sự nghiệp bóng đá của tôi, cộng thêm kiến thức sư phạm hồi còn đi học hy vọng sẽ giúp ích cho các em. Các cháu đam mê. Đứa nào cũng ước mơ làm cầu thủ, được xuất ngoại như các anh Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường hay Đoàn Văn Hậu. Biết đâu đó sau này từ lò Juventus này, sẽ có cầu thủ sang mở tài khoản tại Calcio thì sao?”, Công Minh mỉm cười, nhẹ nhàng như bao năm qua vẫn thế. Bóng đá Đồng Tháp, Long An, Bình Phước với những cái tên đình đám ngày nào giờ chỉ còn là hoài niệm. Bi kịch cho các đội miền Tây là lực yếu, đồng thời cũng không sản sinh ra tài năng đặc biệt nào như chính Công Minh trước đây. Gác lại nỗi buồn trên nghiệp huấn luyện, giờ đây Công Minh tập trung cho công tác trồng người, cố gắng đào tạo cầu thủ trẻ thật tốt để tương lai sẽ có thêm nhiều em chuyên nghiệp, bền bỉ như Công Minh, qua đó làm rạng danh bóng đá nước nhà. Lần duy nhất khiến HLV Weigang phát cáuCông Minh luôn chuyên nghiệp, cần cù và chưa từng làm đồng đội hay HLV phật ý. Chỉ duy nhất một lần, hậu vệ của Đồng Tháp khiến HLV Karl Heinz Weigang cáu đến mức vứt đôi giày của anh vào thùng rác. Ông Dương Vũ Lâm kể lại: “Năm 1995, tuyển Việt Nam tập huấn ở Thụy Sĩ, qua Đức rồi nhờ các mối quan hệ có sẵn, toàn đội được FIFA tiếp đón. Tại trụ sở, tuyển Việt Nam là một trong hai đội được đón, cùng với tuyển Italy dự World Cup 1990. Khi ấy, ông Sepp Blatter (Tổng thư ký FIFA) hỏi là cầu thủ mình đá bóng thế nào”. “Lúc đó, tuyển Việt Nam còn đang chuẩn bị đá các giải lớn như SEA Games ở Chiang Mai. Nhìn thấy đội như vậy, FIFA quyết định tặng giày cho cầu thủ mình, gồm một đôi 6 đinh và một đôi 13 đinh. Giày Adidas xịn nhé, nhẹ hơn nhiều so với giày các cầu thủ mình đang đá. Đế giày làm bằng đế nhựa nên rất nhẹ, còn giày cầu thủ mình nặng hơn”. “Cầu thủ mình đi giày Adidas đá không quen, nên có những cầu thủ lén tháo đế giày ra để lấp vào bằng đế giày khác quen chân hơn. Có mấy cầu thủ làm như vậy, nhưng chỉ có Công Minh và Nguyễn Hữu Đang là bị HLV Weigang phát hiện. Hôm ấy, Công Minh đi giày phía trên Adidas, nhưng đế lại là Puma, ông ấy cầm giày quăng luôn vào thùng rác, xong Công Minh lại lục thùng rác lấy lại để đi. HLV Weigang nhìn thế chỉ nghĩ: Thôi chịu các cậu rồi, xong rồi cười trừ thôi”.
|