Năm 2009, lúc đang trên đỉnh cao phong độ, Lee Nguyễn đã gia nhập HAGL. Nhưng tiền vệ này không thành công và sớm phải rời phố Núi. Nhiều người nhận định, bầu Đức đã thất bại trong thương vụ “bom tấn” Lee Nguyễn. Thất bại ở khía cạnh hình ảnh và cả chuyên môn. Một trong những đồn đoán khiến “cuộc tình” này đi vào ngõ cụt là sự xung đột giữa Lee Nguyễn với HLV Kiatisak Senamuang. Lee Nguyễn cũng được cho là xung đột với văn hóa sân cỏ mang tính đặc thù của Việt Nam ở thời điểm bấy giờ.
Gần 1 thập kỷ trôi qua, Lee Nguyễn mới trở lại Việt Nam. Hiện tại, anh đã bước sang tuổi 34, hay nói như giới bóng đá, độ tuổi ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Thế nên người ta mới đặt câu hỏi, CLB TP.HCM mua Lee Nguyễn để làm gì? Ở khía cạnh chuyên môn thuần túy, một CLB bỏ ra số tiền lớn mua ngôi sao dĩ nhiên là muốn anh ta nâng tầm đội bóng. Lại có câu chuyện khác, có những CLB mua ngôi sao để đánh bóng hình ảnh. Thương vụ “bệnh binh triệu đô” Denilson đến Hải Phòng có lẽ cũng là cú chuyển nhượng đình đám nhất trong lịch sử V.League.
CLB TP.HCM mua Lee Nguyễn để phục vụ cả hai mục đích nâng tầm đội bóng và đánh bóng hình ảnh. Lee Nguyễn có những hiệu ứng hình ảnh nhất định sau những gì thể hiện tại giải Nhà nghề Mỹ. Nhưng hiệu ứng ấy sẽ kéo dài hay sớm vụt tắt còn phụ thuộc vào phong độ của Lee Nguyễn chứ không phải hào quang trong quá khứ. CLB TP.HCM đã khá thành công với tiền đạo Công Phượng hay thủ môn Tiến Dũng. Tuy nhiên, những con tính ấy cũng gặp sai số. Chẳng hạn như bây giờ người ta lo cho tương lai của Tiến Dũng khi anh có những đối thủ quá lớn trong khung gỗ, khó lòng mà giành được vị trí chính thức.