Cầu thủ tấn công hàng đầu của U22 Việt Nam không được CLB chủ quản Viettel để mắt dù đội bóng này cần mọi nguồn lực có thể trong chặng nước rút vô địch V.League.
Năm ngày trước trận quyết định ngôi vô địch V.League với CLB Sài Gòn, đội Viettel đã cho phép hai cầu thủ tấn công Trần Danh Trung và Nhâm Mạnh Dũng tạm chia tay để lên U22 Việt Nam. Đó là một sự kiện rất nhỏ ở đội U22, tưởng chừng lạc lõng trong dòng chảy thông tin của bóng đá Việt nhưng lại nói lên rất nhiều điều.
Khi chức vô địch đã tới rất gần, khi đội bóng cần mọi nguồn lực cho danh hiệu lịch sử, HLV Trương Việt Hoàng vẫn chấp nhận nhường hai tài năng trẻ sáng giá cho đội tuyển. Đấy không phải sự “nhường nhịn” ý tứ của hậu bối Thể Công, điều đó chỉ giúp chúng ta xác nhận: CLB Viettel không cần hai tài năng trẻ của U22 Việt Nam.
Ở CLB Viettel, Danh Trung, Mạnh Dũng gần như không được vào sân, thậm chí không nằm trong tính toán chiến thuật của HLV Trương Việt Hoàng.
Những người thừa V.League ở U22 Việt Nam
Trường hợp của Danh Trung không phải cá biệt ở U22 Việt Nam. Rất nhiều tuyển thủ U22 Việt Nam tới từ các CLB V.League và hạng Nhất, nhiều người đã được đăng ký một đến hai mùa. Nhưng ít ai có cơ hội ra sân thường xuyên dù họ không hề thiếu tài năng.
Danh Trung là ví dụ điển hình của nhóm này. Cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ Viettel được gọi lên U23 Việt Nam từ chiến dịch vòng loại châu Á hồi tháng 3 năm ngoái. Là phương án dự bị cho hai người đàn anh Nguyễn Quang Hải, Hoàng Đức, tiền vệ công sinh năm 2000 đã chơi khá tốt mỗi khi được vào sân. Mùa trước, anh cũng ghi 8 bàn cho CLB Huế ở giải hạng Nhất và chứng minh mình không hề thiếu năng lực.
Nhưng khi được gọi về CLB Viettel mùa này, Danh Trung gần như không có cơ hội. Từ đầu mùa tới giờ, cầu thủ này mới vào sân 3 lần, chơi vỏn vẹn 19 phút. CLB Viettel đang đứng trước cơ hội vô địch nhưng mùa bóng đã kết thúc với Danh Trung khi anh “được” lên U22 Việt Nam sớm.
Ngoài Danh Trung, Nguyễn Hữu Thắng, Lê Minh Bình, Trần Bảo Toàn, Nhâm Mạnh Dũng đều gặp phải vấn đề tương tự. Họ hoặc không được ra sân tại V.League, hoặc phải dạt về các đội hạng Nhất để tìm kiếm cơ hội. Ngay cả Võ Nguyên Hoàng, tài năng trẻ từng được HLV Philippe Troussier hết lời ca ngợi và ông Vũ Tiến Thành dành nhiều hứa hẹn, cũng hiếm khi ra sân tại đội Sài Gòn.
Trong nhóm 4 CLB mạnh nhất V.League, số cầu thủ U22 đá chính đếm được trên đầu ngón tay. Hầu hết chỉ tới từ CLB Hà Nội.
Việc không được thi đấu khiến các cầu thủ trẻ không thể tiến bộ. So sánh U22 Việt Nam năm 2020 với U22 Việt Nam vô địch SEA Games một năm trước là thấy rõ điều đó. Phần lớn đội hình năm ngoái có suất đá chính ở V.League. Họ ngay lập tức mang tới khác biệt và dễ dàng đè bẹp các đối thủ tại SEA Games. Chiều ngược lại, chỉ có khoảng chục cầu thủ trong lứa U22 hiện tại được ra sân thường xuyên ở V.League.
Bức tranh U22 Việt Nam phản ánh đúng những lo lắng mà HLV Park từng chia sẻ hôm 2/11: “Phần lớn học trò của tôi không có cơ hội ra sân tại V.League và giải hạng Nhất. Khi không được thi đấu, sức bền và sức mạnh của họ đều không tốt. Điều đó buộc chúng tôi phải có những giáo trình nặng hơn để cải thiện tình hình của họ khi lên tuyển”.
HLV Park phải mất rất nhiều thời gian rèn giũa lại thể lực và kỹ thuật cơ bản cho học trò các U22 Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Quy trình ngược ở U22 Việt Nam
Nhiều quan điểm bóng đá trẻ cho rằng trước tuổi U19, không có sự khác biệt lớn giữa cầu thủ ở các cơ sở đào tạo khác nhau, thậm chí các quốc gia khác nhau. Bằng chứng hùng hồn cho quan điểm ấy là việc Nigeria 5 lần đăng quang U17 World Cup nhưng chưa từng là thế lực lớn tại Cúp thế giới.
Với nhiều người, sự khác biệt quan trọng nhất giữa các hệ thống đào tạo trẻ nằm ở số trận đấu trong độ tuổi U17 và U19. Tại độ tuổi này, những cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều hơn sẽ có cơ hội bộc phát tiềm năng, đạt được những bước phát triển quan trọng nhất trước khi tiến vào chuyên nghiệp.
Theo quan điểm ấy, chúng ta hiểu ngay vấn đề của đội U22 và bóng đá trẻ Việt Nam.
Thành công rực rỡ của lứa cầu thủ sinh năm 1995 tới 1998 khiến V.League phủ kín bởi nhóm cầu thủ này. Việc họ đồng loạt lên chuyên nghiệp, đá chính tại hầu hết CLB lớn khiến các đàn em phía sau không còn cơ hội chen chân. Kể cả một tài năng dị biệt như Nguyễn Hai Long cũng chỉ được trao cơ hội sau chấn thương của Nguyễn Hải Huy ở Quảng Ninh.
Khi không thể có cơ hội tại V.League, nhiều cầu thủ trẻ lứa 1999-2000 phải dạt về các CLB hạng dưới, điển hình là trường hợp của Minh Bình ở Bà Rịa – Vũng Tàu hay Danh Trung tại Huế.
Thiếu thực tiễn thi đấu khiến cầu thủ không có điều kiện trau dồi các kỹ năng. Điều đó buộc các đội tuyển quốc phải kéo dài thời gian tập trung. Thay vì chỉ chú trọng chiến thuật, các đời HLV gần đây như Toshiya Miura, Nguyễn Hữu Thắng, Park Hang-seo đều phải dành nhiều thời gian rèn lại kỹ thuật cơ bản cho học trò.
Quy trình ấy đi ngược lại cách làm hiện tại của bóng đá thế giới là tăng các trận đấu trẻ, rút ngắn thời gian tập trung đội tuyển, chủ yếu tập trung vào chiến thuật ở các lứa tuổi lớn. Vì thời gian tập trung tuyển quá dài, cả hệ thống bóng đá nội bị ảnh hưởng dây chuyền. V.League chỉ có 14 đội tham dự, ít hơn nhiều giải quốc gia trong khu vực, kém xa châu Âu nhưng bóng đá Việt Nam mấy năm liền đều rơi vào tình trạng quá tải, khiến các nhà tổ chức giải bối rối khi cân đối lịch hoạt động của đội tuyển và cấp CLB.
Nhà vô địch U19 quốc gia PVF (áo đỏ) cũng chỉ được đá vỏn vẹn 15 trận cả vòng loại và vòng chung kết trong năm 2019. Ảnh: Minh Chiến. |
Muốn rút ngắn các đợt tập trung đội tuyển, muốn nâng cao chất lượng đào tạo trẻ, hai giải pháp hiệu quả là tăng số lượng trung tâm đào tạo trẻ và tăng số trận ở các giải U. Vế thứ nhất đã được bóng đá Việt Nam thực hiện tốt bằng sự ra đời của hàng loạt trung tâm, học viện lớn trong hơn 10 năm qua. Vế thứ hai vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.
Lấy giải U19 quốc gia làm ví dụ. Mùa 2020, nhà vô địch U19 quốc gia PVF được đá tổng 15 trận cả vòng loại và vòng chung kết. Trong khi ấy, đội đăng quang U19 Thái Lan Muangthong đá tổng cộng 24 trận, bằng đúng một mùa giải V.League tiêu chuẩn. Các đội trẻ Thái Lan không được dự vòng chung kết cũng đá tới 18 trận, con số mơ ước với nhiều cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam.
Hai lứa Công Phượng và Quang Hải trưởng thành nhanh một phần cũng nhờ được thi đấu nhiều. Lứa Công Phượng nhận đầu tư đặc biệt từ bầu Đức để có hai chuyến tập huấn dài hạn tại châu Âu và Nhật Bản, sớm va chạm với các nền bóng đá hàng đầu. Lứa Quang Hải giành vé đi U20 World Cup nên được quan tâm lớn suốt 2 năm. Họ đều đã được nâng đỡ bởi những sự kiện đặc biệt trong lịch sử bóng đá Việt Nam, điều không còn xuất hiện ở những lứa cầu thủ sau này.
Khi không còn được đầu tư, không có nhiều cơ hội thi đấu, những lứa trẻ tiếp theo của bóng đá Việt Nam đang bộc lộ thiếu sót. Những người tinh ý sẽ nhận ra U22 Việt Nam hôm nay được phát triển lên từ lứa U18/19 ba lần liên tiếp không qua được vòng bảng giải Đông Nam Á của HLV Hoàng Anh Tuấn. Bùi Hoàng Việt Anh, Thái Bá Sang, Đặng Văn Tới, Trần Văn Công và cả Danh Trung đều đã góp mặt tại giải U18 Đông Nam Á 2017. Đến lúc này, không thể dùng từ thành công để miêu tả về lứa cầu thủ ấy.
Thừa kế một đội ngũ vừa hạn chế về năng lực, vừa thiếu thực tiễn thi đấu, nhiệm vụ bảo vệ tấm HCV SEA Games sẽ là thách thức lớn nhất của ông Park từ ngày tới Việt Nam.
Theo zingnews