Ở Europa League nói riêng, và sân chơi châu lục nói chung, La Liga vẫn là bài học về thành công với những đại diện Serie A.
Europa League không còn chỗ cho người Italy
Trong quá khứ, Serie A là giải đấu áp đảo sân chơi châu Âu. Đặc biệt là UEFA Cup, hay Cúp C3, tiền thân của Europa League ngày nay. Mùa giải 1998-99, Parma lần thứ hai trong lịch sử CLB giành UEFA Cup, sau khi thắng Marseille 3-0 trong trận chung kết ở Moskva (lần đầu vô địch năm 1995). Đấy cũng là lần thứ 5 các đại diện Italy vô địch UEFA Cup, một kỷ lục trước khi bước sang thế kỷ 21.
Bước sang thế kỷ 21, bóng đá Italy suy thoái khủng khiếp. Các đội bóng trung bình khá lần lượt tan rã, hoặc ngụp lặn trong bóng tối. Các thế lực lớn cũng chịu hệ lụy rất lớn. Milan có 2 lần giành Champions League (2003, 2007), trong khi Inter đăng quang năm 2010 với Jose Mourinho. Nhưng điều đó không thể che lấp sự thoái trào của Calcio. Sân chơi UEFA Cup/Europa League phản ánh rõ thực tế này. Cái thời các CLB trung bình và khá ở Italy hô mưa gọi gió khi bước ra châu lục trở thành dĩ vãng. Sau Parma, không một đội bóng Serie A nào vào đến Chung kết Europa League.
Không thể nói bóng đá Italy thiếu tập trung cho Europa League, vốn bị xem là giải hạng hai. Ở đây, đơn giản là Serie A tụt hậu so với mặt bằng chung. Những kẻ như Roma, Lazio, Napoli, Fiorentina luôn khao khát danh hiệu hạng hai ấy. Nhưng lực bất tòng tâm. Họ chỉ đủ sức mạnh và tài chính cho cuộc đua ở Serie A. Nếu chia sức cho Europa League, nguy cơ sụp đổ dẫn đến xuống hạng rất cao.
Ngược lại, La Liga thành công vượt bậc. Trong khi Barca và Real Madrid tạo nên những chu kỳ chiến thắng riêng ở Champions League, các đội bóng Tây Ban Nha khác áp đảo sân chơi Europa League. Người ta từng chỉ trích La Liga trở thành giải vô địch Scotland mới, nơi Real Madrid và Barca thay nhau thống trị, có mùa giải giành đến 100 điểm. Nhưng sự thật là các đội khác, thông qua hình thức nào đó, hưởng lợi rất nhiều từ việc ở chung một giải đấu với Real và Barca. Chỉ trong 16 năm nay, có đến 9 danh hiệu Europa League được mang về Tây Ban Nha. Trước đó, La Liga chỉ hai lần vô địch UEFA Cup trong thế kỷ 20.
Ngày trở lại còn xa
Inter là một trong hai đại diện tiêu biểu cho hình ảnh đại gia suy thoái của Serie A, cùng Milan. Sau chức vô địch Champions League 2010, Inter khủng hoảng không hồi kết. Inter cũng là hình ảnh tiêu biểu cho tham vọng trỗi dậy. Đấy là sự đầu tư lớn lao từ tập đoàn Suning, dưới sự điều hành của chủ tịch còn rất trẻ Steven Zhang, và đặc biệt mời được Antonio Conte trở lại Italy. Dù vậy, sự xuất hiện của Conte không đủ giúp Inter đua tranh ở Champions League, mà phải xuống Europa League. Inter rất xem trọng Europa League, vì Conte muốn giành danh hiệu trong mùa đầu tiên của ông ở Appiano Gentile.
Có điều, Inter chưa thực sự ổn định với Conte. Cách đội bóng xanh-đen trình diễn thể hiện họ còn thiếu rất nhiều thứ. Cụ thể, Inter thiếu ổn định ở những thời điểm quyết định, tâm lý chiến đấu không tốt, không có thủ lĩnh đích thực về chiến thuật và tinh thần. Để có thể tranh Europa League, Conte phải làm nhiều việc. Hai cuộc chiến với Getafe sẽ là sự kiểm chứng cho bản lĩnh Inter.
Bóng đá Tây Ban Nha luôn xuất hiện những kẻ nổi loạn, từ La Liga đến châu Âu. Mùa này, Getafe là một kẻ như vậy. Đội bóng ngoại ô Madrid thường chỉ có mục tiêu trụ hạng. Mùa này, Getafe bước vào vòng 1/8 Europa League đầy thuyết phục, và hiện đua top 4 La Liga. Inter muốn thắng Getafe không dễ dàng chút nào.
So với Inter, Roma còn khó khăn hơn. Trong lúc chưa ổn định ở Serie A, Roma phải đấu Sevilla – chuyên gia đua Europa League. Trong cuộc chiến với nền bóng đá Tây Ban Nha, chỉ 1 đại diện Italy có thể vào Tứ kết Europa League cũng là thành công. Ngày Italy trở lại hình ảnh ngọn cờ đầu Europa League/UEFA Cup còn rất xa…