Có lo lắng cũng đúng thôi, vì dù đã thắng, nhưng chiến thắng này vẫn quá sít sao và chưa đủ để các cô gái của thành phố mang tên Bác tự quyết số phận của mình. Bởi lẽ, sau trận đấu tối qua, TPHCM có 2 trận thắng, 1 trận thua, được 5 điểm. Hải Dương 3 trận toàn thắng, được 9 điểm, trong khi Hà Nội thắng 2, thua 1, được 7 điểm. Nếu trong ngày thi đấu hôm nay (14/10), tuyển nữ TPHCM có chiến thắng 3-0 hoặc 3-1 trước đội yếu nhất bảng Nghệ An, trong khi Hà Nội thua Hải Dương, thì tuyển nữ TPHCM mới vào được chung kết, còn ngược lại, nếu Hà Nội thắng Hải Dương, thì nữ TPHCM sẽ bị loại, dù rằng khả năng này là dưới 1%, bởi một khi chơi đúng sức, Hải Dương có lực lượng quá mạnh so với phần còn lại, đặc biệt là trước một nữ Hà Nội đã thua trước nữ TPHCM.
Ấy vậy mà, kịch bản có xác suất xảy ra “dưới 1%” ấy đã xảy ra theo đúng cái cách mà toàn đội nữ TPHCM không mong muốn. Dù cho trong ngày thi đấu hôm nay, cả đội đã thi đấu cực kỳ tập trung, với HLV Trần Thị Hiền tiếp tục xắn tay áo vào sân đốc thúc các học trò “đánh nhanh diệt gọn”, giành chiến thắng 3-0 với tỉ số cách biệt trung bình mỗi set lên đến 12 điểm, thế nhưng Hải Dương đã để thua đội nữ Hà Nội một cách không thể bạc nhược hơn, cũng với cùng tỉ số 0-3 (18-25, 16-25, 15-25).
Đành là trong thể thao nói chung, thắng thua là chuyện thường tình và trong môn bóng chuyền nói riêng, thì khi bóng chưa bay chưa nói trước được điều gì, nhưng trận thắng này của nữ Hà Nội có khá nhiều điều khả nghi cần được xem xét.
1. Nhà Tiên Tri?
Trước hết, cần phải xét đến một quyết định cực kỳ khó hiểu của ban huấn luyện (BHL) đội nữ Hà Nội ở set đấu đầu tiên. Nếu chúng ta mặc định là trước trận đấu, hai BHL của hai đội bóng Hà Nội và Hải Dương không có liên lạc gì với nhau, thì xét về mặt tâm lý, đối với Hà Nội, đây là trận đấu mà họ buộc phải thắng, và thắng cách biệt, lẽ dĩ nhiên họ sẽ phải đưa đội hình mạnh nhất ra ngay từ đầu, vì họ không biết đội Hải Dương sẽ đưa ra đội hình mạnh hay yếu.
Ấy vậy mà nhìn vào danh sách ra sân của đội Hà Nội ở set 1, chúng ta có thể thấy họ cất khá nhiều trụ cột ở ngoài sân (một cầu thủ chủ lực thậm chí còn mặc áo khoác khởi động trong suốt trận đấu, không vào sân), và trình làng một đội hình với nhiều cầu thủ trẻ, dự bị ra sân. Điều này tuy đi ngược lại với logic thông thường, nhưng cũng có thể được lý giải là do nữ Hải Dương cũng đã làm điều tương tự, khi họ cất cả đội hình chính trên băng ghế dự bị và trên sân ở set 1 chỉ có 1 cầu thủ trụ cột duy nhất.
Nhưng điều không thể lý giải được ở đây là tại sao BHL nữ Hà Nội lại chắc chắn được đội hình ra sân của nữ Hải Dương trong set 1 trận đấu này, nếu như hai bên không có liên lạc gì trước trận? Phải chăng BHL đội nữ Hà Nội có từng học qua thuật tiên tri từ một thầy bói nào đó ở gần NTĐ Gia Lâm? Nếu thế thì người viết cũng muốn học, vì nghe nói nghề thầy bói có thu nhập cao hơn mấy đồng lương còm của anh phóng viên bóng chuyền. Đừng nói là “đoán mò”, vì có BHL nào đủ liều lĩnh và bất cần để mang số phận của cả mùa giải, của mấy chục con người, mà đặt lên suy đoán không căn cứ của mình hay không?
2. Không Muốn Thắng?
Nếu người viết là HLV Hải Dương, và được phép chọn đối thủ cho mình trong trận chung kết giữa Hà Nội và TPHCM, chắc chắn người viết sẽ chọn đối thủ Hà Nội, vì họ dễ chơi hơn và từng thua nữ TPHCM, vốn là một ẩn số khó lường, đặc biệt là khi trên sân có thêm sự xuất hiện của huyền thoại Trần Thị Hiền, người có những đóng góp không thể đong đếm không chỉ về mặt chuyên môn, nhưng còn về mặt tinh thần, mà bằng chứng là hai bộ mặt khác hẳn trước và sau khi HLV Trần Hiền vào sân trong trận đấu giữa nữ TPHCM và Kinh Bắc cũng ở giải Hạng A năm ngoái.
Nhưng cũng chính vì thế mà người viết đã không thể làm nghề HLV, vì rõ ràng quan điểm trên là quan điểm thi đấu vì thành tích mà bỏ qua tinh thần cao thượng trong thể thao, và nếu thi đấu chỉ vì thành tích, thì không thể nào đóng góp cho sự phát triển nói chung của nền thể thao Việt Nam nói chung, và nền bóng chuyền Việt Nam nói riêng.
Nếu thi đấu với động cơ muốn chọn đối thủ trong trận chung kết như trên, chắc chắn người viết sẽ đưa ra đội hình yếu nhất có thể, và để thua với tỉ số cách biệt nhất có thể. Nếu có ai hỏi, người viết sẽ bảo rằng đó là lý do chiến thuật, là cất đội hình chính để dưỡng sức cho trận chung kết mà đội của người viết đã nắm chắc trong tay một vé.
Và có vẻ như BHL đội Hải Dương là bạn tri kỷ của người viết, vì hôm nay họ cũng tung ra một đội hình toàn cầu thủ dự bị, trong đó có một số cầu thủ thậm chí còn chưa ra sân được tròn 10 phút trong cả giải đấu, hôm nay đánh toàn trận. Libero duy nhất của đội ra sân chưa đến 10 phút. Đó là chưa kể đến nhiều tình huống khi mà điểm số hai bên xích lại quá gần nhau, một vài cầu thủ trụ cột của đội sẽ chỉ vào sân chỉ để phát bóng ra ngoài hoặc để thua những quả cực kỳ nghiệp dư.
Ồ, người viết đã nhắc đến chuyện trong suốt cả trận, BHL hai bên đều chỉ yêu cầu gọi hội ý có 1 lần chưa nhỉ? 3 set đấu, 60 phút, nhiều khi điểm số cách biệt lên đến 10, 15 điểm, mà chả ai thèm gọi hội ý lần nào, phải chăng vì diễn biến trên sân đang theo đúng một “cơ chế”, “kịch bản” nào đó đã được viết sẵn từ khi bóng còn chưa lăn?
Người viết sẵn sàng chấp nhận chuyện đưa ra đội hình yếu để dưỡng sức cho trận quan trọng hơn, hoặc muốn tạo cơ hội cọ xát cho các cầu thủ trẻ, nhưng người viết không thể chấp nhận chuyện ra sân để cố tình thua. , vì bất cứ lý do gì. Mà việc không thèm gọi hội ý, ngay cả khi đội mình – vốn là đội tiếng tăm hơn, mạnh hơn – đang bị thua cách biệt đến 10 điểm, thì rõ ràng là một dấu hiệu cho thấy việc mình không có ý chí muốn đội mình thắng. Nếu động cơ ra sân là muốn học trò của mình có cơ hội cọ xát, thì người làm thầy phải là người muốn kéo dài trận đấu hết mức có thể, phải là người đứng ngồi không yên ra chỉ đạo, phải là người gọi hội ý liên tục để xốc lại tinh thần các học trò, thậm chí là muốn các cầu thủ trẻ của mình nếm trải đến nghiện cái hương vị chiến thắng.
Chẳng phải HLV bóng bầu dục huyền thoại người Mỹ Vince Lombardy đã từng nói “Winning is a habit. Unfortunately, losing is as well” đó sao? Chiến thắng là một thói quen, và thua trận cũng thế. Người thầy không muốn rèn thói quen chiến thắng cho học trò của mình, mà lại rèn thói quen thua cuộc, liệu có còn đúng với cái thiên chức nhà giáo hay không?
Mà không chỉ người viết hay Vince Lombardy không thôi đâu nhaaa. Cả Thông Tư Liên Tịch Số 222/2003/TTLT-UBTDTT-BCA, ban hành bởi Bộ Công An ngày 7/11/2003 cũng đồng ý với người viết nè, hihi:
Tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao là những hành vi vi phạm của tổ chức hoặc cá nhân như: gian lận tuổi vận động viên, làm sai lệch hồ sơ thi đấu, móc ngoặc, mua bán tỉ số làm sai lệch kết quả thi đấu và các hành vi khác vì động cơ trục lợi, làm mất tính trung thực, cao thượng của thể thao, gây dư luận xấu trong xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của sự nghiệp Thể dục thể thao Việt Nam.
Sẵn tiện thêm luôn Khoản 3 với Khoản 6, Điều 10, Luật Thể dục, Thể Thao 2006, sửa đổi bổ sung 2018 nghen:
Điều 10. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao.
3. Gian lận trong hoạt động thể thao.
6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao.
Lời Kết:
Giải Hạng A Toàn Quốc là giải bóng chuyền lâu năm, có uy tín, nằm trong hệ thống thi đấu thường niên của Liên Đoàn Bóng Chuyền Việt Nam đã mấy chục năm nay. Thiết nghĩ, BTC giải, Liên Đoàn và các Ban, Ngành liên quan nên vào cuộc làm rõ những nghi vấn tiêu cực trong giải đấu, để trả lại sự trung thực và cao thượng cho hoạt động thi đấu thể dục thể thao thành tích cao này.
Có thể, đối với một số người, đây chỉ là một trận đấu thủ tục, vô thưởng vô phạt, nhưng đối với tập thể các VĐV đội tuyển bóng chuyền nữ TPHCM, đây là hành vi tước đoạt trắng trợn công lao ăn tập mồ hôi nước mắt, và cả máu của họ trong suốt một năm vừa qua. Bao nhiêu nỗ lực không tên hàng tuần trên cái sân tập vắng hoe, bao nhiêu lần lủi thủi đi về một mình sau giờ tập đêm trên chiếc xe cà tàng, bao nhiêu lần đau đến chảy nước mắt, xuýt xoa ôm cái tay bị bong gân, cái chân bị trầy xước, bao nhiêu tháng ngày cắn răng ở xa gia đình, nhớ quê nhớ nhà đến thắt ruột thắt gan, bao nhiêu lần gác lại kế hoạch với cha mẹ, bạn bè, người yêu để lao vào tập luyện, tất cả những cái hy sinh, những cái chịu đựng ấy đều vì mục tiêu lên hạng, để rồi cuối cùng chỉ vì toan tính của một vài cá nhân mà tan thành bọt biển.
Đừng nói là năm nay thua thôi năm sau làm lại. Đời cầu thủ có được bao nhiêu năm? Năm nay Đào Thị Nhung nghỉ sinh con, chắc gì năm sau TPHCM lại không có trụ cột nào khác lại không giải nghệ, lấy chồng sinh con, làm nghề khác, hoặc chỉ đơn giản là không đạt được đỉnh cao phong độ của năm nay? Thiết thực hơn, năm nay không vào được đến chung kết, giữ lấy cơ hội lên hạng, năm sau liệu có nhà tài trợ nào sẵn sàng hợp tác? Kinh phí duy trì hoạt động lấy đâu ra? Chỉ là một trận đấu, nhưng nó là hy vọng, là ước mơ, là cái nguồn sống của bao nhiêu con người, mà giờ đã bị đập tan chỉ trong 1 tiếng đồng hồ nghiệt ngã. Đó là chưa kể, liệu năm nay có tiền lệ, có gì đảm bảo năm sau đội nữ TPHCM sẽ lại không lâm vào hoàn cảnh tương tự?
Đó là chưa kể đến thiệt hại về tinh thần cho toàn đội nữ TPHCM. Năm nay đánh nỗ lực là thế, thắng công bằng là thế, mà cuối cùng vẫn bị loại về nhà, cái bất công này, cái sự ức chế này ai sẽ chịu trách nhiệm đây? Rồi trong suốt cả năm tới, mỗi khi tập luyện đều nghĩ đến chuyện này, cái suy nghĩ “thôi tập cho cố làm gì, rồi cũng bị người ta câu kết đá văng ra” liệu có hiện ra trong đầu các VĐV? Thi đấu tập luyện với tâm lý như thế, làm sao đạt được thành tích cao?
Cũng có thể có người sẽ nói rằng: Lực lượng đội nữ TPHCM có vào đến chung kết gặp Hải Dương thì cũng thua thôi, cay cú làm gì. Xin thưa rằng, trước trận Hà Nội – Hải Dương, người viết cũng nghĩ theo kiểu như thế, rằng Hà Nội yếu hơn hẳn, làm thế nào thắng nổi Hải Dương? Kết cục ra sao thì ai cũng biết rồi đấy. Bóng chưa bay chưa nói được gì. Mà nói đi cũng phải nói lại, nếu Hải Dương chắc chắn thắng TPHCM như thế thì hôm nay việc gì phải thua Hà Nội?
Lời cuối, người viết chỉ muốn nói thêm một điểm nữa, rằng suy cho cùng thì các VĐV cũng còn trẻ, chỉ là con tốt con mã của người lớn. Lý do người viết không nêu tên, nêu số áo của bất cứ một VĐV nào cũng là muốn bảo vệ các em. Toàn đội Hà Nội có bao nhiêu cầu thủ đã học hết cấp 3? Hải Dương đang làm lại, đang trẻ hóa liệu có mấy người trên 25 tuổi? Mà cho dù có là trụ cột lớn tuổi của đội bóng thì đời VĐV, HLV sai đâu đánh đó, bảo đi đông thì không dám chạy tây, có làm gì thì cũng chỉ là nghe theo lời người nắm quyền sinh sát, mong rằng nếu các cơ quan chức năng có vào cuộc, xin hãy nhẹ tay với họ. Trên cong thì dưới làm sao mà dám thẳng được?